'Công nghệ' thổi tạp chất: Chó vào lò mổ, gà ra nhà hàng
Loading...
Khi cắm ống vừa vào tới bụng thì phải ngưng ngay, nếu cắm quá sâu nước vào phổi, chó sẽ chết ngay. Tụi em làm thế này tăng thêm một vài ký kiếm chút cháo thôi".
Dụng cụ bơm nước rất đơn giản, được các lái chó chế bằng chai nước suối loại gần 2 lít, phía đầu chai gắn một ống dẫn nước. Nước bơm vào chó được múc ở những con kênh nước tù ven đường, hoặc nước dưới cống. Lúc bơm, ít nhất phải có hai người, một người cầm đầu chó trong lồng gí chặt vào miệng lồng buộc chó phải há miệng ra, người kia sẽ cắm thẳng ống dẫn nước sâu tận bụng chó sau đó chỉ cần cầm chai nước đưa lên cao, trong tích tắc toàn bộ nước trong chai sẽ chui hết vào bụng chó.
Một lái chó múc nước đọng để bơm
Cụ thể, dưới gầm đường dẫn lên cao tốc Sài Gòn - Trung Lương (quận Bình Tân, TP HCM), từ 14h đến 17h hằng ngày là “chợ” bơm nước của các lái chó lên từ miền tây. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày ở đây có khoảng 30 lái chó (mỗi lái chở ít nhất 5 con, nhiều thì 15 con) tấp vào để bơm nước vào bụng chó.
Ở gần cầu An Hạ, trên QL22, đoạn thuộc xã Xuân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) cũng là “chợ” nhồi nước của các lái chó về từ Tây Ninh, Long An. Cứ mỗi buổi chiều, ở đây có khoảng 25 lái chó tập trung bơm nước để tăng trọng lượng mỗi con chó thêm 1 - 1,5kg. Cứ như vậy, hết lái chó này đến lái chó khác tấp vào tranh thủ bơm nước trước khi mang giao cho lò mổ. Chỉ trong buổi chiều 15/1, chúng tôi đếm được 27 lái chó vào đây bơm nước.
Trong vai người đi mua chó, một ngày đầu tháng 1/2015, chúng tôi ghé “chợ” bơm nước trên QL22 đoạn gần cầu An Hạ (huyện Hóc Môn). Lúc này mới 15h, nhưng có khoảng chục lái chó (chở khoảng 60 con) đang nhộn nhịp người múc nước, người hì hục cho tay vào lồng gí từng con chó vào miệng lồng để bơm nước; người bơm xong tiếp tục chở chó vào lò mổ, người mới đến tấp vào bơm... Mỗi con chó bị bơm một chai nước ở dưới kênh có màu vàng đục.
“Khi cắm ống vừa vào tới bụng thì phải ngưng ngay, nếu cắm quá sâu nước vào phổi, chó sẽ chết ngay. Tụi em làm thế này tăng thêm một vài ký kiếm chút cháo thôi. Nhưng vẫn còn có đức gấp vạn lần tụi đi ăn trộm chó...”, Chiến vừa bơm nước vào chó vừa... trải lòng.
Len lỏi trong các khu dân cư vùng ven TP HCM có nhiều lò mổ chó dã chiến không phép. Hằng ngày, các lò mổ này bắt đầu hoạt động khoảng 3h cho tới sáng. Mỗi khi lò mổ hoạt động, một cảnh tượng hãi hùng bởi tiếng kêu thất thanh của những con chó tội nghiệp, tiếng máy vặt lông chó kêu xè xè, tiếng khò ga cộng với mùi tanh, mùi tiết tạo thành mùi tổng hợp khiến ai vào lần đầu cũng buồn nôn. Trung bình mỗi ngày một lò mổ giết từ 100 - 200 con chó để cung cấp thịt cho các quán cầy tơ.
Bơm nước vào bụng chó như kiểu truyền dịch.
Sáng sớm ngày cuối năm 2014, chúng tôi thâm nhập một lò mổ nằm trên đường An Hội (thuộc phường 13, quận Gò Vấp). 4h lò mổ hoạt động ầm ầm, điện sáng choang. Lò mổ này có diện tích khoảng 40m2 với quy trình khép kín từ khu nhốt chó sống, khu giết mổ và nhà vệ sinh, cả trăm con chó vừa bị đánh chết và chọc tiết nằm chất đống. Một số công nhân đang đảo qua lại những con chó trong chảo nước sôi, sau đó chuyển qua máy vặt lông. Khoảng 2 phút sau, những con chó trắng như nhộng từ máy vặt lông tung ra nền xi măng nhơm nhớp. Trước khi khò cho da căng vàng lên, chó được nhúng vào một chậu nước có màu đen xì.
Không chỉ có chó, gà, vịt cũng được người buôn bán lẻ ở chợ tự phát sáng chế để “thổi” trọng lượng trước khi tới tay người mua. Đảo quanh những chợ tự phát thuộc quận Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, Hóc Môn... tình trạng gà bơm tạp chất khá phổ biến. Hầu như những quầy bán gà sống đa phần bơm bã đậu, còn những quầy bán gà ta đã làm thịt, những con gà béo ngậy căng tròn rất bắt mắt lại là những con gà đã được bơm nước.
“Vịt tụi tôi bơm được 2 lạng, còn gà một lạng. Tụi tôi chỉ bơm bã đậu thôi nên không độc hại đâu, còn gà giao cho nhà hàng mới ghê vì họ toàn bơm nước bẩn...”, một bà bán gà thừa nhận.
Cũng theo bà bán gà ở đây, không chỉ bán gà sống cho người đi đường, những người bán gà lẻ cũng là mối giao sỉ cho nhà hàng tiệc cưới và quán nhậu. “Mỗi khi có tiệc cưới đặt gà, họ chỉ đặt một loại nhưng đúng 1,5 kg/con. Vì vậy khi đi mua gà ở vựa, tui chỉ mua những con gà khi thịt xong phải thiếu ít nhất 1 lạng. Trong khi làm thịt, những con gà này sẽ được bơm nước vào sườn, bụng, đùi... cho đủ 1,5kg. Chỉ có làm như vậy mới đúng theo yêu cầu của nhà hàng”, bà bán gà cho biết.
Bơm bã đậu vào diều gà, vịt.
Một ngày cuối tháng 12/2014, chúng tôi ghé nơi ở của B. là dãy phòng trọ tại khu phố 3, phường Thạnh Lộc (quận 12). Lúc này B. đang nấu nước làm thịt gần chục con gà giao cho quán cơm. Còn vợ B. thì đang bơm bã đậu vào 7 con vịt và 9 con gà chuẩn bị mang bán buổi sáng ở lề đường Hà Huy Giáp (quận 12).
B. kể, trước đây anh làm công nhân tăng ca suốt, tháng nào cao cũng được 4 triệu đồng. Thấy vợ chồng B. quá vất vả, người bà con đang bán gà, vịt ở chợ Cầu (quận Gò Vấp) cho theo học nghề. Sau nửa tháng, B. và vợ đã học được cách bơm bã đậu, bơm nước vào gà, vịt. Từ đó vợ chồng B. hành nghề bán gà vịt ở chợ tự phát.
Hàng ngày vào sáng sớm, vợ chồng B. tới lấy gà, vịt ở vựa gà An Phú Đông (quận 12), sau đó mang về bơm bã đậu vào số gà vịt sống bán trong ngày. Hôm nào có quán cơm hay nhà hàng đặt gà thịt, B. và vợ đều bơm nước vào thịt gà.
“Bây giờ làm ăn khó khăn lắm, mới đầu em cũng không dám bơm đâu vì thấy vô lương tâm quá, nhưng nếu không bơm thì không bán được vì các bạn hàng họ bán rẻ hơn nên em cũng phải bơm. Ở Sài Gòn chỗ nào chả bơm, gà sống họ bơm đằng sống, gà thịt bơm đằng thịt. Em khuyên thật nếu anh muốn mua gà về ăn thì nên mua gà sống, họ có bơm nhưng chỉ bơm bã đậu hoặc nước thôi, khi thịt vứt diều đi là hết. Còn gà thịt rồi họ toàn bơm nước dơ vào không à...”, B. tiết lộ.
Theo Hoài Nam/Công an TPHCM