Bảng chi tiêu 9 triệu/tháng của gia đình tổng thu nhập 12 triệu, chị em khen vun vén khéo
Loading...
Bỏ qua chi tiêu mua sắm, quần áo, cafe đi chơi, rồi bạn bè khuyên thử áp dụng cách là xài mỗi lương chồng để dành lương vợ, nhưng bà mẹ 1 con vẫn vò đầu bứt tóc vì "thật sự không tháng nào dưới 9 triệu được!".
"Đây là bảng chi tiêu cố định của vợ chồng em trong 1 tháng. Tháng nào con em cũng bị ốm, phải đi khám vài lần mới khỏi, nhưng em cũng không dám xin nghỉ làm. Có tháng tăng ca đi làm 2 chủ nhật mới được 5 triệu 8, còn không thì nghỉ ngày nào mất tiền chuyên cần, tiền lương cũng giảm.
Nhà em thì cách công ty tận 9km, 2 vợ chồng đi làm ngược đường nhau nên tốn xăng, em còn phải đi giao hàng nữa. Giờ ngồi nhìn bảng kê không biết phải bỏ khoản nào. Ma chay cưới hỏi thì tháng có tháng không. Vợ chồng em sắp sửa nhà nữa, muốn để dành nhiều thêm mà khó quá".
Đó là tâm sự não lòng của V.T.N, một người mẹ trẻ đang sống tại Biên Hòa (Đồng Nai). Mới có 1 đứa con thôi mà vợ chồng chị đã khổ sở đong đếm từng tháng một.
Dù tháng nào cũng căn ke chắc tay từng khoản một, kể cả nhỏ nhặt như... nuôi gà, song, chị N. vẫn phải nhăn trán vì tổng chi tiêu không tháng nào dưới 9 triệu.
Tổng thu nhập 12 triệu, mẹ 1 con đau đầu vì tiêu hết 9 triệu đồng.
Chi tiết sinh hoạt phí mà chị N. ghi chép tỉ mỉ như sau:
- - Sữa bột cho con 2 hộp (loại 900gr): 650.000
- - Sữa tươi: 300.000
- - Sữa chua + bánh: 200.000
- - Gửi con: 1.300.000
- - Điện: 280.000
- - Wifi: 250.000
- - Gạo: 120.000
- - Thức ăn: 3.000.000
- - Xăng xe 2 vợ chồng: 400.000
- - Thẻ điện thoại: 400.000
- - Viện phí cho con: 400.000
- - Đóng hội: 1.000.000
- - Ăn sáng: 300.000
- - Linh tinh: 300.000
- - Nuôi gà: 100.000
TỔNG: 9.000.000
Theo như bảng tính của chị thì lương chị dao động từ 5 – 5,8 triệu và của chồng là 6 triệu, tính tròn là 12 triệu. Trừ 9 triệu sinh hoạt phí như trên thì chỉ còn dư cỡ 3 triệu, mà năm nay dự tính sửa nhà cần một khoản khá lớn, vợ chồng chị chủ yếu tự túc nên cũng có phần khó khăn.
Suy đi tính lại mãi chẳng biết nên cắt giảm khoản nào, nên chị đành đem lên mạng để hỏi ý kiến các chị em thông thái.
Chi tiêu hàng ngày luôn là chủ đề được chị em quan tâm, nên chị N. được khá đông thành viên mạng cùng chia sẻ kinh nghiệm.
Một bà mẹ 2 con nhiều kinh nghiệm đã vào hỏi tận tình xem vì sao con chị N. tháng nào cũng ốm, chị ngậm ngùi chia sẻ: "Con em bị hô hấp trên với viêm phế quản suốt, tháng nào cũng đi khám phải 2 lần mới khỏi".Thực tế thì không ít gia đình cũng có con ốm yếu, nên các mẹ cùng bình luận khá nhiều, và thống nhất rằng khoản này không thể cắt giảm được.
Khá đông thành viên mạng nghía qua bảng kê chi tiết của chị N. đều nhận xét rằng vợ chồng chị tiêu xài vậy là ổn, ở thành thị như thế là sướng hơn nhiều cặp đôi khác, vì không mất thêm khoản lớn thuê nhà.
Tuy nhiên, chỉ lo mỗi sinh hoạt phí và nuôi 1 đứa con thôi, 9 triệu đồng với chị N. là rất tốn kém. Người thì tư vấn chị chuyển sang dùng internet chung với hàng xóm, người thì bảo bỏ nuôi gà... nhưng chị N. đều lắc đầu không khả quan, có lý do riêng.
Tháng nào con cũng ốm đau, rồi xăng xe đi làm, mang con đi gửi... cũng mất một khoản kha khá. (Ảnh minh họa)
Nickname Linh Tôm thắc mắc là sao không có khoản mua sắm quần áo, đi café bạn bè như nhiều gia đình khác, chị N. phân bua: "Dầu ăn, bột giặt, gia vị... rồi mấy cái nhỏ nhỏ mình cho vào khoản linh tinh rồi đó, đây toàn khoản to mà.
Đấy là chưa kể lâu lâu vợ chồng mình đi ăn nhậu cùng bạn bè nữa, phát sinh có khi tới 10 triệu luôn". Đúng là chẳng dám mua sắm gì mà cô vợ đảm đang vẫn thấy khổ, vì chẳng dành dụm được bao nhiêu.
Nhiều mẹ khen chị N. khéo vun vén, bởi đa số các gia đình có con nhỏ, thu nhập có khi chẳng cao nhưng tháng nào cũng chi hết 15 – 20 triệu, dù mức sống bình dân, ấy thế mà bà mẹ trẻ vẫn thở dài:
"Mình muốn để dành thêm nhiều nữa, thấy mọi người hỏi han cũng thấy băn khoăn, tham khảo thêm ý kiến các mẹ để thay đổi loại sữa khác cho con tiết kiệm hơn một chút.
Hai vợ chồng thì ngày chỉ dám ăn 1 bữa, ăn sáng thôi có khi nhịn cả trưa, tốn mỗi tiền mua đồ nấu cháo cho con. Mình không nghĩ là 1 tháng tiêu hết ngần ấy đâu, bạn bè khuyên thử áp dụng cách là xài mỗi lương chồng, để dành lương vợ, nhưng thật sự không làm được".
Chị cũng cho biết, vì muốn tăng thêm thu nhập nên chị có bán hàng online ngoài giờ đi làm, nhưng vất vả là vậy, doanh số cũng chẳng đáng bao nhiêu, đập vào tiền chăm nuôi con cũng hết, chẳng dư dả được chút nào.
Cứ tưởng nuôi gà tại gia là tiết kiệm được vài bữa tiền ăn, ai ngờ lại tốn thêm! (Ảnh minh họa)
Vài người tinh ý, săm soi được 1 tháng vợ chồng chị N. chỉ mất 300 nghìn ăn sáng, hoài nghi rằng thực tế không thể rẻ như vậy, nhưng bà mẹ trẻ khẳng định đó là vì chị tính toán sẵn rồi, dự trù ăn gì mỗi sáng nên mới "nhín" được chừng đó tiền.
Riêng khoản này thì hội chị em tấm tắc khen bà mẹ này giỏi, vì ở thành phố ăn quả trứng vịt lộn cũng 5 – 10 nghìn tùy chỗ, muốn no hơn thì chén bát phở cũng phải rút hầu bao cỡ dưới 50 nghìn, đằng này 1 tháng 300 nghìn, vị chi mỗi ngày ăn hết 10 nghìn bạc, quá rẻ!
Lướt một vòng ý kiến các mẹ bỉm, hầu như ai cũng ngạc nhiên vì bảng chi tiêu của chị N. quá sát sao và tiết kiệm.
Có người còn phát khóc, không dám lôi giấy bút ra liệt kê theo, bởi hoàn cảnh gia đình như thế này: mỗi tiền học của con đã hết 2 triệu 9, thêm sữa bỉm là 5 triệu đồng (học mẫu giáo), chợ búa cả ngày tính toán lắm thì mất khoảng 100k, rồi quần áo đồ chơi, xăng xe điện thoại…
Gạch đầu dòng ra đã chóng mặt, nhìn số còn "tụt huyết áp" hơn, nên thôi khỏi tính nhức đầu!
Vài người đem bảng chi tiêu nhà mình ra so sánh với nhà chị N., quả thực mức chi tiêu của chị còn nhẹ nhàng chán!
Cuối năm còn "gom thóc" sửa nhà, chị N. lo sốt vó không biết dành ra 3 triệu/tháng thì bao giờ mới đủ? (Ảnh minh họa)
Hỏi đi hỏi lại, tư vấn tới lui, hàng trăm chị em quan tâm tranh luận, nhưng kết quả, chị N. đành chịu, chấp nhận rằng không thể cắt giảm được khoản nào. May là giữ được 1 triệu gửi vào đóng hội, coi như một hình thức tiết kiệm. Còn các mẹ khác thì sao?
Theo Trí thức trẻ