-->

Header Ads

QC1

Giữ đức hạnh để dự lễ giao thừa linh thiêng nhất Việt Nam

Loading...
Đình Dương Lôi (phường Tân Hồng, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), nằm cạnh bên dòng sông Tiêu Tương trong vắt, đăm đắm và mông lung những câu chuyện huyền thoại về ngày lễ tết.

Là ngôi đình thờ 8 vị vua nhà Lý, từ cổ xưa đến nay, đình Dương Lôi vẫn giữ gìn và phát huy được văn hóa lễ hội của đình, độc đáo nhất là lễ cúng giao thừa ở đình làng. Lễ cúng giao thừa tuy không quá rầm rộ nhưng vẫn cứ náo nức và tràn đầy tình làng quê, tình anh em, họ mạc theo cả một chiều sâu văn hóa Thăng Long thời nhà Lý.

Ly kỳ chuyện gần 300 lễ cúng giao thừa

Dương Lôi là vùng đất phát tích của triều Lý và đình Dương Lôi là nơi thờ phụng 8 vị vua nhà Lý, trong đó khởi nguyên lập nước là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ. Từ bao đời nay, người dân Dương Lôi một lòng tưởng nhớ công ơn của các vị vua triều Lý và thiện nguyện sống “tốt đời đẹp đạo” trên vùng đất quý hương.


Đình Dương Lôi 

Hàng năm, đình có 7 ngày lễ, trong đó lễ cúng giao thừa là một lễ phản ánh hết mọi mặt trong đời sống của làng, hiện thân của nền văn hóa thời Lý, được coi là độc đáo nhất Bắc Ninh.

Cứ đến hẹn lại lên, vào đêm giao thừa thì cả làng Dương Lôi háo hức và trọng thể làm lễ cúng giao thừa ở đình làng. Nghi lễ cúng giao thừa ở đình làng có từ bao đời nay, ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không biết nó có từ bao giờ, chỉ biết, từ khi sinh ra thế hệ trước đã truyền lại và thế hệ sau cứ thế thực hiện.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng và quan trọng của một năm, của một gia đình, một dòng tộc khi tiễn một năm cũ và đón chào một năm mới. Chính vì thế, người dân trong làng Dương Lôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng để làm lễ cúng này.

Cụ đám Trần Đức Thiệp của đình Dương Lôi cho biết: “Vì người dân trong làng đều muốn làm lễ cúng giao thừa trong năm mới nên ở đây mọi người đều làm mọi thủ tục, sắm sửa, bày biện lễ từ rất sớm để được làm lễ nhanh nhất có thể. Trung bình, lễ cúng giao thừa ở đình có khoảng 300 lễ”.

Người dân trong làng làm lễ cúng giao thừa tại đình phải chuẩn bị mâm lễ đầy đủ xôi gà, rượu chè, tiền vàng... Vì số lượng lễ rất lớn nên mọi người phải ra đình lấy phiếu đăng ký làm lễ cúng theo thứ tự từ 7h tối. Các thành viên trong ban khánh tiết của đình sẽ lựa chọn và sắp xếp các gia đình đăng ký làm lễ cúng, rồi trình lên cụ đám. Khi đồng hồ điểm đúng 12h đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thì ở đình cụ đám bắt đầu làm lễ cúng giao thừa.

Thủ tục làm lễ cúng giao thừa của đình Dương Lôi theo 3 lễ, trước là lễ làng, sau là lễ cụ đám và tiếp đến là lễ dân làng. 3 lễ này đều được thực hiện trang nghiêm dưới sự chứng kiến của hàng trăm người dân. Riêng lễ dân làng là kéo dài nhất, từ 6h sáng đến tối ngày mùng 1 mới hoàn tất và kết thúc. Cụ đám cho hay: “Làm lễ dân làng, một lần cúng sẽ làm chung 10 lễ một và cúng khoảng 15 phút. 10 lễ được đặt chung nhưng khi lễ là tôi phải đọc riêng từng thân chủ. Cứ như thế cho đến khi mọi người ai cũng được làm lễ cúng theo nguyện vọng đã đăng ký mới thôi”.

Trong tâm thức của người dân Dương Lôi, lễ giao thừa là một lễ được mọi người mong chờ nhiều nhất. Cô Toan, người làng Dương Lôi bộc bạch: “Dân làng chúng tôi nhà nào cũng mong muốn ra đình làm lễ giao thừa để cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, cầu bình an cho cả gia đình trong năm mới. Làm lễ cúng giao thừa ở đình cho chúng tôi niềm tin vào ước nguyện “quốc thái, dân an” sẽ thành sự thật”.

Quy định linh thiêng bậc nhất

Lễ cúng giao thừa ở đình làng Dương Lôi từ lâu đã thực sự trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa, một món ăn tinh thần của những người dân trong làng. Qua bao thế hệ, tục lệ này không hề bị mất đi, trái lại nó luôn được bồi đắp và lưu truyền muôn đời, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân.


Du khách đến dâng hương tại đình Dương Lôi

Mỗi năm, vào dịp giao thừa, đình Dương Lôi lại đông vui như trẩy hội để mọi người mang lễ ra đình làng làm lễ cầu mọi điều may mắn, tốt đẹp. Nhưng không phải ai đến đình cũng được làm lễ cúng giao thừa, mà ở Dương Lôi, quy định cúng trong đêm giao thừa cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt như trong cung cấm ngày xưa.

Cụ đám Thiệp cho biết: “Để thực hiện lễ cúng giao thừa ở đình, ngoài việc người dân ra đình lấy phiếu đăng ký, chuẩn bị mâm lễ tươm tất thì khi đến đình làm lễ mọi lời ăn tiếng nói, trang phục cũng phải rất chú ý cho đúng với văn hóa của làng”.

Bất kể ai ra đình xin làm lễ cúng giao thừa hay đứng trước ban thờ Đức bát vị tiên hoàng đế cầu nguyện đều phải ăn mặc chỉnh tề. Đối với thành viên ban khánh tiết đỡ lễ ở trên thì phải mặc quần vàng, áo vàng, còn đỡ lễ ở dưới thì mặc áo the, quần trắng. Các cụ cao tuổi trong làng ra đình phải khăn xếp áo dài. Còn riêng cụ đám phải mặc áo đỏ, quần đỏ, đầu đội mũ đỏ, đi hia đỏ. Người dân không ai được mặc quần cộc, áo cộc, ăn mặc lòe loẹt, luộm thuộm.

Không những thế, trong lúc làm lễ cúng giao thừa, mọi người không ai được chen lấn, xô đẩy, ăn nói thiếu văn hóa. Cụ đám kể lại, trong đêm 30 làm lễ cúng giao thừa có một ông ở dưới mách tục mách rác đã tự làm đổ cả mâm cỗ. Sau đó, đến mùng 3 Tết phải ra đình làm lễ lại. Vì thế, người dân ở đây, đã vào cửa đình không ai được ăn nói xằng bậy.

Trải qua bao đời, đình Dương Lôi được gắn với phong tục tập quán của làng, đồng thời là nơi duy nhất còn lưu truyền các sắc phong, bài vị, các ngai vua của thời nhà Lý. Đình còn là nơi chứa đựng biết bao câu chuyện gắn liền với cuộc đời của bà Phạm Thị, về tuổi ấu thơ của Lý Công Uẩn… Trong chốn đình linh thiêng, có một quy định bất di bất dịch từ xưa đến nay để lại, là đàn bà và trẻ em không được vào nơi thờ cúng trong đình được thực hiện triệt để ở mọi lúc, nhất là vào đêm giao thừa.

Chị Vui, một người trong làng chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã rất thích thú với tục cúng trong đêm giao thừa ở đình làng mình. Tôi rất háo hức muốn đến đình xem cụ đám cúng thế nào, hậu cung ra sao nhưng vì là con gái nên chẳng bao giờ tôi được vào cửa đình, tận mắt chứng kiến lễ cúng trong đêm giao thừa cả”.

Bên cạnh đó, khi đến đình làm lễ, tất cả mọi người đều phải tỏ thái độ tôn kính đối với cụ đám. Cụ đám là một người liêm khiết, được dân làng tín nhiệm bầu ra đại diện cho toàn thể dân làng đèn nhang thờ phụng Đức bát đế nên trong khi lễ, mọi người đều phải làm theo sự sắp đặt của cụ đám. Chiếu ngồi của cụ đám làm lễ không ai được bước qua hay ngồi xuống bên cạnh. Đàn bà và trẻ em không được vào nơi thờ cúng, càng không được bén mảng đến chiếu của cụ đám. Về điều này, cụ đám Thiệp lý giải: “Vì đình làng là nơi thờ vua nên quy định bao đời nay đàn bà và trẻ em không được vào hậu cung và vào nơi thờ cúng trong đình. Nữ giới chỉ được phép đứng ở bên ngoài lễ vào trong mà thôi”.


Nguồn : phunuoday.vn
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD