Những quan niệm không đúng về nhẫn cưới
Loading...
Chưa có khoa học nào chứng minh những cách làm dưới đây là không tốt cho cô dâu và chú rễ về quan niệm nhẫn cưới cả. Vì vậy, bạn hãy thoải mái khi chọn cho mình một cặp nhẫn cưới phù hợp nhé.
1. Phải chọn nhẫn vàng
Nhiều người nghĩ rằng nhẫn cưới phải là màu vàng vì màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng. Vì vậy đa số uyên ương vẫn chọn nhẫn vàng, thay vì nhẫn bạch kim hay vàng trắng, bởi đám cưới truyền thống vẫn kiêng màu trắng với hàm ý màu trắng là bạc bẽo, không tốt lành.
Tuy nhiên quan niệm này chưa đúng. Vì không có ai quy định cô dâu chú rể phải đeo nhẫn màu vàng. Yếu tố quyết định nằm ở phong cách, sở thích của bạn. Nếu không thích màu vàng cổ điển, uyên ương có thể chọn nhẫn vàng trắng hay bạch kim, bởi trang sức màu trắng dễ kết hợp với quần áo, trẻ trung. Bạch kim cũng là chất liệu tốt, ít bị xước và sáng sau nhiều năm. Còn vàng trắng dễ lộ vết xước hơn vàng màu, vì vậy khi đeo nhẫn vài năm, uyên ương nên đi đánh bóng, mạ xi lại để nhẫn vẫn sáng đẹp như mới.
2. Không được nới nhẫn
Nhiều cô dâu chú rể chuẩn bị cho đám cưới cưới trước từ lâu và mua nhẫn cưới sớm. Vì vậy tới ngày cưới, có thể nhẫn sẽ rộng hoặc chật do uyên ương tăng giảm cân đột ngột vì chuẩn bị cưới. Cách tốt nhất là cặp đôi mang nhẫn tới nơi đã mua để sửa lại. Tuy nhiên nhiều người lo lắng sợ việc nới hoặc cắt bớt nhẫn sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của cặp đôi.
Đây cũng là điều kiêng kỵ không có cơ sở. Không có chứng minh nào chỉ ra rằng việc sửa nhẫn sẽ làm rạn nứt mối quan hệ của hai người. Việc sửa nhẫn là cần thiết, nếu không bạn sẽ phải bỏ phí đôi nhẫn cưới và lại mất thời gian đi chọn đôi nhẫn khác. Ngay cả sau khi cưới vài năm, nhẫn không còn vừa tay, uyên ương cũng nên chỉnh sửa lại để phù hợp và giữ đôi nhẫn cưới kỷ niệm.
3. Nhẫn phải giống hệt nhau
Hiện nay, mẫu mã nhẫn cưới đa dạng, phong phú và trẻ trung hơn để phù hợp với nhu cầu của uyên ương trẻ. Nhưng cũng có nhiều cô dâu chú rể cho rằng cặp nhẫn cưới phải giống hệt nhau, không được sai khác.
Tuy nhiên, nhẫn cưới không nhất thiết phải giống nhau. Vì chú rể và cô dâu có phong cách khác nhau. Đa số cô dâu thích điệu đà với nhẫn cưới cầu kỳ, đính đá. Còn chú rể lại thích sự đơn giản, không thể đeo nhẫn đính đá lấp lánh hay tạo kiểu phức tạp. Vì vậy cách giải quyết tốt nhất là hai người chọn đôi nhẫn có thiết kế phù hợp với mình nhưng vẫn mang điểm chung nhỏ như đường cắt, họa tiết trang trí hay màu sắc nhẫn.
Nhẫn cưới là vật sẽ đồng hành cùng uyên ương trong nhiều năm sau đám cưới, vì vậy bạn cần chọn nhẫn cưới cẩn thận, để đôi nhẫn dù theo thời gian vẫn sáng đẹp và không bị lỗi mốt.
Xem thêm : Ý nghĩa của các ngón tay đeo nhẫn