-->

Header Ads

QC1

Kratom chất gây nghiện "chết người" tấn công giới trẻ dưới dạng thực phẩm chức năng

Loading...
Nhận thấy tác hại của chất gây nghiện kratom, FDA đã cấm lưu hành nhưng tại Việt Nam, kratom vẫn còn khá mới mẻ và mon men theo đường xách tay “tấn công” giới trẻ. 

Kratom là cây gì ?

Kratom có tên khoa học là mitragyna speciosa đây là một loài cây có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á thuộc họ cà phê trong y học người ta dùng nó để giảm đau . Bột hoặc lá của cây Kratom có khả năng giúp tiêu hóa tốt nên người ta thường dùng để chế biến nó thành trà hoặc thuốc hút nhiều người còn nhai trực tiếp nhưng chỉ cần vài gam kratom có thể làm cho bạn say ngây ngất tời vài giờ đồng hồ.


Rất chi hưng phấn

“Khi uống thuốc xong, cảm giác rất chi là hưng phấn, không còn cảm giác mệt mỏi, uể oải, đi nhẹ nhàng, người lâng lâng, làm việc cả ngày kể cả vụ kia (quan hệ tình dục - PV) cũng hừng hực lắm luôn”, anh TKH (sống ở quận 5, TP.HCM) chia sẻ về cảm giác khi uống viên thuốc được gọi là thực phẩm chức năng có thành phần kratom. Tuy nhiên, anh H. cho biết cảm giác lâng lâng chỉ kéo dài một ngày, khi thuốc hết tác dụng, anh H. cảm thấy mệt lả người.

Theo lời kể của anh H., viên thuốc thực phẩm chức năng được người bạn xách tay từ Úc về. Anh bạn này cho biết mỗi viên kratom quy ra tiền Việt là 300.000 đồng, được sử dụng rộng rãi ở Úc do tác dụng giảm đau hiệu quả. Anh bạn của anh H. do bị chứng đau nhức đầu gối nên thường xuyên sử dụng thuốc kratom để quên đi cơn đau.

Viên thuốc anh H. sử dụng. Ảnh: ITN

Thường xuyên xả stress bằng tem giấy tẩm LSD (chất gây nghiện, ảo giác - PV), bạn TAK (22 tuổi) thời gian gần đây tìm đến kratom qua lời giới thiệu của một shop online chuyên nhập hàng “độc” xách tay qua mạng. K. cho biết mình mua dạng bột để sử dụng. “Mỗi lần uống phải nghỉ ngơi chuẩn bị tinh thần. Nếu ai mà ít nói thì uống cái này vào sẽ nói nhiều hơn. Dùng liều lượng vừa đủ thì lâng lâng, người không biết mệt, nhận thức, sáng tạo hơn nhưng hơi quá liều thì sẽ bị ảo thị, kiểu sẽ thấy hoa văn chạy loằng ngoằng trên mặt phẳng. Mình nghĩ dùng điều độ và không lạm dụng thì nó sẽ không gây nghiện”, K. chia sẻ.

Dạng bột do K. sử dụng. Ảnh: ITN

Dạo một vòng quanh các trang bán hàng online, không khó để tìm ra các loại thực phẩm chức năng chứa kratom với những lời quảng cáo hoa mỹ: “Kratom không gây nghiện. Kratom có tác dụng an thần, giảm cảm giác lo âu và căng thẳng, thay vào đó là gây hưng phấn và hạnh phúc, tăng sức chịu đựng, sức mạnh, tăng ham muốn và hoạt động tình dục”. Một số trang còn bày cách pha chế kratom với các loại khác như cần sa, LSD, cà phê... để tăng độ “ép phê” cho thuốc.

Cảm nhận của một "tín đồ" Kratom. Ảnh: HL

Liên quan 44 cái chết

Theo BS CKII Huỳnh Thanh Hiển, BV Tâm thần TP.HCM, kratom, tên khác là ketum, thuộc họ cây cà phê, có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Papua New Guinea. Hoạt chất có trong cây kratom là mitragynine và 7-hydroxymitragynine (7-HMG). Nó được sử dụng trong y học cổ truyền tại các quốc gia này từ nhiều thế kỷ trước. Dân bản địa thường nhai lá kratom để tăng sự tỉnh táo, tăng khả năng vận động thể chất, cởi mở, thích nói chuyện-giao tiếp và gia tăng các hành vi.

Theo BS Scott Gottlieb, ủy viên của FDA (cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ), các báo cáo cho thấy: Kratom có nhiều nguy cơ hơn lợi ích đem lại và nguy cơ cao của sự lệ thuộc dù đã có ý kiến cho rằng kratom có thể dùng để cai nghiện nhóm thuốc phiện (heroin) nhưng điều này bị bác bỏ vì hiện đã có nhiều phương pháp cai nhóm thuốc phiện rất hiệu quả và an toàn như buphrenorphine, naltrexone, methadone. Việc cho phép sử dụng kratom như một loại thực phẩm chức năng sẽ có nhiều nguy cơ bị lạm dụng.
Cũng theo BS Scott Gottlieb, từ năm 2010 đến 2015, đã có 660 cuộc gọi đến Trung tâm Kiểm soát độc chất Hoa Kỳ về các vụ ngộ độc có liên quan đến kratom (tăng lên gấp 10 lần). Có đến 36 trường hợp tử vong liên quan đến sản phẩm chứa kratom tại Mỹ được ghi nhận. Sử dụng kratom có thể gây co giật, tổn hại gan và các triệu chứng cai.

Kratom dễ dàng tuồn về Việt Nam qua đường xách tay. Ảnh: NTN

Đã có 44 báo cáo về tử vong do kratom, một số trường hợp được ghi nhận có sử dụng kết hợp với các loại thuốc giảm đau kê toa hoặc không kê toa khác. Sử dụng lâu dài có thể dẫn đến các trường hợp rối loạn tâm thần với ảo giác, hoang tưởng và lú lẫn. Sử dụng liều cao hay dùng chung với nhóm thuốc phiện (codein, hydrocodone, oxycodone…) có nguy cơ dẫn đến ngộ độc với các triệu chứng nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, suy hô hấp và có thể tử vong. Một số trường hợp co giật được ghi nhận, đặc biệt là có dùng chung với modafinil.

Một trang bán kratom online. Ảnh: HL

Vì những lo ngại trên, FDA đã từ chối cấp phép lưu hành các thực phẩm chức năng hay thuốc Đông dược có thành phần từ lá kratom và yêu cầu các cơ quan chức năng tịch thu các lô hàng nhập khẩu có chứa kratom. Kratom bị xem là một chất giống thuốc phiện (morphine like).


Ngoài ra, DEA (cơ quan bài trừ ma túy Hoa Kỳ) đã xếp kratom vào bảng 1 (nghiêm cấm sản xuất, mua bán dưới mọi hình thức) từ tháng 10-2016 và nếu hai năm sau, tức vào tháng 10-2018, không có một phản biện thuyết phục và đủ tin cậy hay FDA gỡ bỏ lệnh cấm thì lệnh cấm này sẽ trở thành vĩnh viễn. Hiện nay thì ngoài Hoa Kỳ, các nước như: Úc và Tân Tây Lan (1/2015), Canada (10/2016), EU (2011), Anh (2016) đã cấm kratom. Kratom bị cấm tại ít nhất 16 quốc gia.

Mặc dù vậy, cho đến tháng 1-2018, cây kratom và các hoạt chất của nó vẫn không có tên trong Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các chất ma túy, chất gây nghiện và các tiền chất.

Cây kratom thuộc họ cà phê. Ảnh: ITN

“Kratom có thể được chào bán trên thị trường với hình dạng một viên thuốc và được quảng cáo là thực phẩm chức năng được làm từ thảo dược thiên nhiên nên dễ gây ngộ nhận là vô hại. Thực sự nó không vô hại và đây chính là sự ngộ nhận chết người”, BS Hiện lo ngại.


Theo BS Hiển, hiện nay kratom đã bị cấm tại nhiều quốc gia, tuy nhiên các phương pháp bán hàng truyền miệng, hàng xách tay và qua Internet vẫn tồn tại. Tại Việt Nam, kratom chưa được xem là ma túy nên có thể theo các phương pháp bán hàng ở trên về nước.

BS Hiển khuyến cáo khi được mời chào mua thuốc trị đau nhức dạng thực phẩm chức năng thì cần xem xét thành phần của nó. “Nếu trong thành phần có chữ kratom/ketum hay Mitragyna speciosa (lá) hoặc mitragynine (hoạt chất) thì nên từ chối vì đây là một loại chất gây nghiện dạng giống thuốc phiện dù rằng chất này hiện chưa bị luật pháp VN cấm”, BS Hiển lưu ý.

Nguồn (Pháp luật TP.HCM)
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD