-->

Header Ads

QC1

Chị em nội trợ Hà thành rộ cơn sốt trồng cỏ lúa mì ép lấy nước uống mỗi ngày

Loading...
Không chỉ trồng rau, củ, quả trên sân thượng, nhiều mẹ Việt đang “đua nhau” trồng cỏ lúa mì trong nhà.

Hiện nay, trên nhiều trang diễn đàn, các bà nội trợ Việt đang đua nhau chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cỏ lúa mì, cách ép cỏ lúa mì sao cho ngon, uống như nào để tốt cho sức khỏe,...

Không ít những lợi ích của nước ép cỏ lúa mì được truyền tai như đây là thứ nước uống bổ dưỡng cho người ăn kiêng, tiểu đường và ung thư; ức chế tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các khối u; chứa enzim phá vỡ các tế bào gây béo; chứa nhiều vitamin C; giảm mụn trứng cá và làm sáng da, chữa ngứa ngáy, bệnh vảy nến. Vì những công dụng đó mà bỗng nhiên, cỏ lúa mì trở thành loại cây gây sốt được nhiều bà nội trợ săn lùng, tìm mua để trồng.

Cỏ lúa mì đang được nhiều bà nội trợ tìm mua về trồng.

Chị Nguyễn Hiền ở Thanh Trì, Hà Nội cho biết, sau một lần đọc chia sẻ trong hội trồng rau sạch, chị quyết định tìm hiểu về cỏ lúa mì và trồng chúng. Chị đặt mua 1kg hạt ở trong Nam chuyển ra với chi phí hết hơn 100.000 đồng. Hiện tại, chị đang dùng loại cỏ này làm nước ép uống mỗi ngày.

“Nói thật hôm đầu tiên mình uống không có cảm giác gì và thấy rất bình thường. Lần 2 uống, mình buồn nôn, khó chịu. Hôm đó mình bị nôn khan và phải nằm ngủ một lúc lâu mới hết. Đến lần 3 uống loại nước này mình thấy đỡ hơn. Và giờ mình uống được 2 tháng rồi.

Mình tìm hiểu biết đó là phản ứng bình thường của cơ thể nếu đang có độc tố nên mình yên tâm uống tiếp. Mọi người uống nước ép cỏ lúa mì có thể chế thêm nước lọc nhưng uống như vậy lâu hết và khó uống nên mình thường uống hết rồi mới uống nước lọc tráng miệng”, chị Hiền chia sẻ.

Cũng chia sẻ thêm, chị Hiền cho biết nước ép cỏ lúa mì khá dễ uống, có vị ngọt nhẹ hơn nước rau má. Sau 2 tháng uống thử nghiệm, chị cũng được mọi người khen da đẹp hơn: “Mình uống được 2 tháng nay thấy da có đẹp hơn, đỡ mụn. Về quê, bà ngoại cũng có khen nên mình cứ uống. Mình nghĩ đây cũng là một loại rau nên sẽ an toàn. Hơn nữa nhà trồng không phun thuốc gì cả cũng an tâm hơn”.
Chị Hiền cho biết, sắp tới chị sẽ trồng thử hạt thóc của Việt Nam, bởi chị được một người quen định cư ở Mỹ tư vấn rằng hạt thóc nước ta cũng có thể trồng và xay ra làm nước ép uống như cỏ lúa mì.

Chị Hiền cho biết trồng cỏ lúa mì vô cùng đơn giản và nhanh được thu hoạch.

Chia sẻ về phương pháp trồng cỏ lúa mì, chị Hiền cho biết loại cỏ này rất dễ trồng, giống như trồng rau mầm. Chị chỉ cần rửa hạt sạch rồi ngâm 8 tiếng. Sau đó, rải lớp trấu hun hoặc mùn dừa dày khoảng 2cm được phun ướt đẫm nước và rắc hạt đều lên.

Hàng ngày cứ sáng và tối, chị tưới phun sương cho cây, để cây ra hiên nhà đón ánh nắng mặt trời tầm 1 giờ đồng hồ. Khoảng 8-10 ngày, khi lúa được hơn 10 cm là đã có thể thu hoạch được.

“Mình mới chỉ gieo thử cỏ lúa mì với 100% trấu hun còn ươm cây con mình hay trộn đất và phân bò mịn. Mình thường dùng vôi bột, phơi đất cũ cho ải, rồi sau 7-10 ngày dùng đất trộn phân, trấu, mùn dừa, tricho để có dinh dưỡng cho cây sinh trưởng và phát triển.

Đối với cỏ lúa mì tầm 8-9 ngày là có thể thu hoạch dần, khi đó lúa cũng được hơn 10 cm. Cắt xong, mọi người nên rửa, ép uống ngay sẽ thơm hơn còn ép xong để tủ lạnh rất khó uống, đồng thời hết dưỡng chất”, chị Hiền chia sẻ kinh nghiệm trồng cỏ lúa mì.


Từ 8-9 ngày là có thể thu hoạch được cỏ lúa mì.

Biết sự hữu ích của cây lúa mì, chị Nguyễn Ngân (Hà Nội) cũng tranh thủ mua về trong một lần đi siêu thị.

“Ban đầu mình mua về chỉ để trồng chơi cho đẹp không gian nhưng sau khi biết công dụng của loại lúa này, mình định trồng cho mẹ uống vì nghe nói tốt cho người bị tim mạch.

Trồng loại hạt lúa này dễ lắm, chỉ cần rắc hạt lên đất mùn hoặc đất trồng có giá thể và tưới nước hàng ngày, hạt gần như nảy mầm 100%. Cây mọc nhanh, khoảng 2-3 ngày là có mầm và 1 tuần là lên cao”, chị Ngân cho biết.

Được biết, trước đó, chị Phương ở Thanh Xuân, Hà Nội – bà mẹ nổi tiếng với vườn rau sạch tươi tốt trên sân thượng cũng đã trồng lúa mì để lấy cây non ép làm nước uống. Theo chị Phương chia sẻ, cây lúa mì này không chỉ cắt lá làm nước ép mà rễ của cây sau khi rửa sạch cũng có thể xay làm nước ép bổ dưỡng được. 

Dẫu trở thành cơn sốt trong các gia đình ở Hà Nội nhưng cỏ lúa mì lại ít được biết đến ở các tỉnh thành khác. Chị Nguyệt (Hải Phòng) còn đang khá ngỡ ngàng về những tác dụng của cỏ lúa mì được các mẹ chia sẻ, bởi từ trước đến nay chị chỉ dùng chúng làm thức ăn cho mèo.

Cốc nước lúa mì ép có vị ngọt nhẹ nhưng khó uống với những người lần đầu thử.

Trao đổi với PV, một chủ cửa hàng bán hạt lúa mì ở TP. HCM cho biết dạo gần đây, cơn sốt cỏ lúa mì đã khiến mặt hàng này trở nên đắt khách hơn bao giờ hết và khá nhiều người ở Hà Nội đặt mua.

“Loại cỏ này được trồng khá phổ biến ở Mỹ và hiện nay nhiều gia đình ở Hà Nội cũng hay gọi điện tới cửa hàng hỏi mua để chuyển ra trồng. Giá bán buôn hạt giống này khoảng 70 nghìn/kg còn giá bán lẻ là 100 nghìn/kg. Trồng hạt lúa mì tốt hơn gieo hạt thóc của Việt Nam vì thành phần dinh dưỡng và thành phần tinh bột cao hơn”, chủ cửa hàng chia sẻ.

"Nói cỏ lúa mỳ có khả năng phòng chống bệnh ung thư là chưa có căn cứ"
Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), mầm cỏ lúa mỳ hay còn gọi là mầm mạch nha có các enzym chuyển hóa tinh bột thành đường giúp thức ăn tiêu hóa dễ dàng. Rễ của mạch nha khi nảy mầm sinh ra chất alcaloid horderin - một amino phenol có tác dụng vào nhóm adrenalin kích thích hệ tuần hoàn ngoại vi do làm co thắt các mạch.
Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều các chất dinh dưỡng như: Protid, lipid, vitamin B1 và E… “Cỏ lúa mì có giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên không thể khẳng định, nó có khả năng chống lại và điều trị ung thư. Hiện nay, cơ chế của ung thư là rất phức tạp việc điều trị ung thư hiệu quả vẫn chủ yếu dựa vào y học hiện đại”, ông Thịnh cho biết.
Đồng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung (Hội viên Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y mầm cỏ mạch có vị ngọt tính bình, tác dụng tiêu hóa thức ăn chữa các bệnh. Nói nước uống mạch nha tốt cho hệ tiêu hóa thì đúng, nhưng khả năng phòng chống và chữa bệnh ung thư thì chưa có căn cứ”.
Theo Hồng Nhung (Khám phá)
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD