Món hải sản lạ mắt, nghe tên đã thấy thèm ở đảo Quan Lạn
Loading...
Sá sùng, cà ghim hay cù kỳ là những món ăn lạ tai, lạ mắt với người phố thị nhưng đây là những đặc sản của mỗi vùng quê biển.
Đến Quan Lạn, bạn nhất định không được bỏ qua những món ăn này bởi rất ngon miệng và nhiều chất dinh dưỡng.
Sá sùng
Ở Hà Nội chỉ biết đến sá sùng khô nấu canh hay làm gia vị cho nồi nước phở, nhưng đến Quan Lạn mà không xem bắt sá sùng hay thưởng thức món ăn này thì thật phí vô cùng. Sá sùng bắt lên có hình dạng giống con giun đất trưởng thành nhưng to hơn, màu đỏ hồng, còn ngoe nguẩy.
Ngon nhất là sá sùng tươi xào tỏi, rau muống hay xào chua ngọt ăn giòn mà mềm, thơm mà ngọt. Sá sùng khô rang lên chấm tương ớt, thêm dăm ngọn rau thơm, diếp cá nhấm cùng bia lại mang đến một thú ẩm thực riêng. Hay sá sùng hầm thuốc bắc cũng được coi là một món “thần dược” dành cho nam giới. Ảnh: loca
Cà ghim
Món ăn đặc biệt nhất ở Quan Lạn phải kể tới cầu gai hay còn gọi là cà ghim. Cầu gai trưởng thành lớn bằng một trái cam sành, có hình cầu với gai nhọn mọc dày và dài ở bên ngoài. Để chế biến, người dân phải dùng 2 que cứng bửa thân cầu gai sang hai bên rồi lấy thịt ở bên trong.
Sau đó ngâm thịt trong nước ngọt chừng nửa tiếng, rửa sạch để ráo rồi mới bắt đầu chế biến thành các món nướng, nấu cháo, làm chả hay ăn sống. Cầu gai là món ăn giàu dinh dưỡng, nên rất nhiều du khách tranh thủ tẩm bổ bằng món ăn này khi đi du lịch Quan Lạn. Ảnh: everesttravel
Cù kỳ
Có mai màu nâu, mắt màu xanh lá và hai càng lớn so với kích thước cơ thể, cù kỳ phân bố nhiều tại các vùng biển ấm, nhưng đặc biệt có giá trị là ở vùng bờ biển Quảng Ninh. Không ngon bằng cua biển, giá rẻ hơn nhưng lại ngọt thịt hơn ghẹ nên hầu hết du khách đến Quan Lạn đều gọi cù kỳ trong bữa ăn của mình.
Thịt cù kỳ tập trung ở hai càng to của nó. Người bán đập dập vỏ cứng bên ngoài, tách thịt để nấu bún, xào miến, làm ruốc hay để nguyên con sốt me, hấp, nướng tạo nên các món ăn vừa bổ dưỡng, vừa thơm ngon, đậm đà vị biển. Ảnh: Hoàng Nhi
Hải sâm
Đỉa biển, dưa chuột biển là tên gọi khác của hải sâm. Có vị mặn, bổ âm, bổ thận, dưỡng huyết, ích tinh, chống mệt mỏi, phòng chống khối u… nên hải sâm được coi là một nguyên liệu quý và cao cấp. Người ta chế biến hải sâm thành cháo, súp, canh hầm hoặc om đều thơm ngon. Ảnh: Kim Chi
Tu hài
Có hình dáng khá giống với các loài vỏ hai mảnh, nhưng tu hài vỏ mỏng hơn, có vòi nhô ra nên còn được gọi là ốc vòi voi hay con thụt thò theo cách nói của dân địa phương. Tu hài xã đảo Quan Lạn được nuôi hoàn toàn trong môi trường tự nhiên nên thịt chắc, ngọt, giàu chất dinh dưỡng và muối khoáng. Món ăn chủ yếu chế biến từ loại hải sản này là tu hài nướng mỡ hành.
Người làm phải ngâm tu hài trong nước nóng già vài phút rồi mới tách vỏ và sơ chế cho sạch. Sau đó rắc lên trên thân tu hài hành khô và tỏi đã phi thơm, rưới dầu, thêm hành hoa, mắm, tiêu rồi xếp lên vỉ nướng. Thời gian nướng chỉ chừng 1, 2 phút để thịt tu hài chín nhờ sức nóng của miếng vỏ mà không bị dai hay xém cạnh. Người ăn dùng đũa gắp miếng tu hài ra, chấm cùng muối tiêu chanh để thưởng thức vị biển đậm đà mà ngọt lịm, giòn dai rất độc đáo. Ảnh: loca.
Theo P.V (VNE)