10 quán cà phê 'tên một chữ' đi cùng năm tháng ở Hà Nội
Loading...
Giảng, Lâm, Thọ, Năng… là tên những quán cà phê có thâm niên hàng chục năm, giữ được hương vị và không gian đậm chất Hà Nội xưa giữa lòng phố xá hiện đại.
Giảng
Cụ Nguyễn Văn Giảng, một nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole đã mở quán Giảng đầu tiên vào năm 1946. Thực đơn nổi bật với món cà phê trứng được sáng tạo nên nhờ cảm hứng từ món capuchino.
Hiện nay, Giảng có hai cơ sở tại Nguyễn Hữu Huân và Yên Phụ do hai con trai cụ Giảng làm chủ quán. Đây vẫn là nơi được đánh giá có món cà phê trứng chuẩn vị, được nhiều du khách tìm đến để thưởng thức đặc sản cà phê chốn thủ đô. Ảnh:Instagram lifeafterperry
Nhân
Cũng ra đời năm 1946, quán cà phê Nhân ban đầu là nơi bộ đội gặp gỡ để trao đổi thông tin liên lạc. Chữ Nhân do ba người đồng sáng lập cùng chọn làm tên hiệu với nhiều ý nghĩa: nhân tâm, nhân hậu, nhân đức, nhân nghĩa. Ông Thi cùng vợ trực tiếp điều hành quán và tìm tòi công thức kết hợp giữa cà phê chè và cà phê vối.
Hiện nay, cà phê Nhân đã trở thành thương hiệu được thế hệ con cháu ông bà Thi mở ở khắp Hà Nội. Tuy nhiên, quán ở Hàng Hành với hương cà phê vương vấn cả con phố là địa chỉ được nhiều người biết đến nhất. Ảnh: Ly Le
Thọ
Nằm trên phố cà phê nổi tiếng Triệu Việt Vương, Thọ vẫn là quán nổi bật với cà phê ngon, giá bình dân và không gian mộc mạc. Năm anh em trong một gia đình Hà Nội gốc đã cùng gây dựng nên quán cà phê này từ khoảng ba thập kỷ nay.
Một cốc cà phê sữa đậm đà hoặc sữa chua nếp cẩm thơm ngon được khá nhiều khách quen gọi khi đến quán. Đa số đều thích chọn chỗ ngồi ngoài vỉa hè, vừa uống cà phê vừa ngắm đường phố nhộn nhịp. Ảnh:Instagram quynhanhchocopie
Thái
Trên cùng dãy phố với cà phê Thọ, quán Thái cũng mang dáng dấp Hà Nội xưa trong từng góc nhỏ. Bức tường nhuốm màu thời gian, những tấm đệm xốp lót trên dãy bê tông dùng làm ghế, những cốc thủy tinh đơn giản đựng các món đồ uống không hề cầu kỳ… lại gây được hứng thú cho giới trẻ vốn đã quen với nhiều không gian hào nhoáng, đồ uống sang trọng.
Cũng giống những quán kể trên, cà phê Thái có mức giá khoảng 15.000 – 30.000 đồng cho một đồ uống, thậm chí bạn có thể chỉ gọi một cốc trà đá 3.000 đồng ở quán và ngồi tán gẫu cả buổi với bạn bè. Ảnh:vivuhanoi
Năng
Sáng thức dậy sớm, tới quán Năng uống cốc cà phê, đọc tờ báo mới và thư giãn trong bầu không khí dễ chịu của ngày cuối tuần là lựa chọn của nhiều người khi đến Hà Nội. Phố cổ luôn nhộn nhịp, quán cũng hiếm khi nào vắng khách nhưng thương hiệu cà phê hơn nửa thế kỷ này vẫn khiến người ta cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi tìm đến.
Bạn có thể uống thứ cà phê nồng nàn ở Năng tại phố Đường Thành, Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân, nhưng được đánh giá cao nhất vẫn là ở quán gốc tại Hàng Bạc. Mơ muối, chanh muối, sắn dây cũng là những thức uống quen thuộc trong quán cà phê phong cách cũ. Ảnh:Instagram everydayvietnam
Lâm
Cà phê Lâm được đặt từ tên cụ Lâm, người chủ khai sinh ra quán từ năm 1952. Cà phê ở đây nổi tiếng nhờ không trộn bất kỳ chất phụ gia nào mà rang xay mộc hoàn toàn, hương vị có nhiều khác biệt so với những nơi khác. Nhờ vậy, không chỉ bán cà phê tại chỗ mà quán còn có một khoản thu ổn định nhờ kinh doanh cà phê bột đóng gói.
Hiện quán có hai địa chỉ trên phố Nguyễn Hữu Huân do hai con của cụ Lâm tiếp quản. Ảnh: Instagram hanhgram
Nhĩ
Được xếp trong bộ tứ cà phê “Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng” ngày xưa, quán nằm trên phố Hàng Cá này luôn đông khách dù diện tích khá khiêm tốn, cơ sở vật chất không hề được nâng cấp sau hàng chục năm.
Thực khách sành cà phê khó lòng bỏ qua địa chỉ này, bởi chỉ riêng việc quan sát chủ quán pha chế đã khiến vị giác bị đánh thức: đong một cốc cà phê bằng hai chén uống trà, rót từ ấm tích rồi cho vào cốc thủy tinh, thêm đường, sữa, dùng cây đánh trứng đánh cho nổi bọt lên bề mặt cốc rồi thả vào từng viên đá mát lạnh. Ảnh:Instagram kieudag
Đinh
Cái tên ngắn gọn này được đặt theo tên con phố Đinh Tiên Hoàng nơi quán tọa lạc. Trên tầng hai một căn nhà cổ, người ta chen nhau một chỗ ngồi ở ngay ngoài ban công bé tẹo, từ đây có thể bao quát được hồ Gươm trong xanh và dòng người tấp nập qua lại.
Bà Bích chủ quán, cũng là con gái cụ Giảng đã mất được vài năm nhưng hương vị cà phê trứng nơi đây vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn. Ảnh: Instagram sebghin
Mai
Trước khi mở một vài cơ sở như hiện nay thì cà phê Mai chỉ chuyên bán cà phê hạt hoặc cà phê rang xay đóng gói, không phục vụ cà phê tại chỗ cho khách.
Một cốc cà phê ở quán hiện nay có giá lên đến cả trăm nghìn đồng, tuy nhiên thực khách sẵn lòng chi tiền cho việc thưởng thức các loại cà phê hảo hạng trên thế giới: Arabica, Moca, Paris…Các quán Mai ở Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Trần Nhân Tông đều đông khách. Ảnh: cafemai
Hạnh
Cà phê Hạnh góp phần làm vỉa hè con phố Nguyễn Hữu Huân thêm nhộn nhịp bởi lượng khách đến uống cà phê ổn định vào tất cả các mùa. Quán không dành cho những ai cần không gian riêng tư bởi không khí ở đây khá ồn ào, chỗ ngồi được yêu thích lại là khu vực vỉa hè với chỗ để xe chật hẹp. Cũng như những quán cà phê chung phong cách cổ xưa, người ta đến đây không chỉ để uống mà còn để cảm nhận âm thanh phố xá, lắng nghe những câu chuyện đời thường. Ảnh: Khải Huy
Theo VnExpress