Thịt hổ 500 đồng “đón lõng” cổng trường đầu độc trẻ Hà Nội
Loading...
Chỉ cần có từ 1000 đồng trở lên, các em học sinh có thể mua cho mình một loại quà vặt nào đó ở ngay cổng trường để cùng chúng bạn nhâm nhi thưởng thức.
Trẻ con hồn nhiên ăn và các vị phụ huynh cũng không thể biết con cái mình đang tiêu thụ loại thực phẩm trôi nổi đáng sợ như thế nào...
“Thịt hổ” tấn công trường học
Kể từ thời điểm báo chí vào cuộc cảnh báo về các loại bim bim có nguồn gốc Trung Quốc, các loại quà vặt này gần như biến mất khỏi các cổng trường...
Tưởng như trẻ em Việt Nam đã được an toàn. Nhưng không, hết hàng Tàu lại xuất hiện hàng Việt.
Từ thịt hổ Việt Nam đến các loại khác cũng của các thương hiệu Việt như thịt bò hảo hạng, sườn bò chua cay... với giá cả rẻ đến bất ngờ: 500 một miếng thịt hổ, 2.000 đồng một gói sườn bò thơm cay, 500-1.000 đồng/que thịt thăn bò, 1.000 đồng/miếng sườn bò hảo hạng...
Thịt hổ 500 đồng “đón lõng” cổng trường đầu độc trẻ Hà Nội
Cầm các gói được người bán hàng gọi là bim bim này thấy ghê tay bởi hầu hết các gói này đều rất nhờn, nhớt. Đặc biệt gói thịt hổ Sasa nổi bật với dòng chữ “Nguyên liệu châu Âu. Công nghệ Nhật Bản. Hương vị Việt Nam”.
Để kiểm tra cái gọi là nguyên liệu châu Âu, phóng viên lật ra mặt sau thì thấy bao bì ghi thành phần bao gồm: bột mì, nước tinh khiết, đường, muối, dầu thực vật, ớt, mỳ chính, hương liệu tự nhiên...
Không hiểu với các nguyên liệu dân dã như thế này, làm sao mà Công ty TNHH Sasa Hà Nội (đơn vị sản xuất thịt hổ Sasa) phải nhập chúng về từ châu Âu?
Không chỉ có thịt hổ Sasa, dạo qua các cổng trường tiểu học ở các quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân (Hà Nội), hàng loạt trường ở các địa bàn các huyện của Hà Tây cũ, một vài trường của thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh)... phóng viên còn nhận thấy có thêm một thương hiệu thịt hổ Việt Nam (thịt hổ Vela do Công ty TNHH Vela Việt Nam sản xuất) nữa cũng dàn hàng ngang, tấn công vào học sinh tiểu học.
Các sản phẩm thịt hổ Việt Nam và các sản phẩm tương tự đều có nguồn gốc rõ ràng (tên, địa chỉ và số điện thoại công ty được in rõ) và trên bao bì có đề hạn dùng “6 tháng kể từ ngày sản xuất” nhưng soi kỹ các bao bì sản phẩm chúng tôi cũng không thể tìm thấy nơi đề ngày sản xuất.
Sự vô lý về giá chứng tỏ chất lượng thực phẩm
Hầu hết các mặt hàng xuất hiện ở cổng trường tiểu học đều được phân phối đến tận nơi, từ các mặt hàng bim bim đã được đại bộ phận người tiêu dùng chấp nhận đến các loại bim bim kiểu như Sasa, Vela... nên khi chúng tôi muốn tìm nguồn gốc để nhập hàng với số lượng lớn thì đều nhận được sự im lặng hoặc câu trả lời: "Tôi không biết, người ta mang đến tận nơi, thấy hợp lý thì tôi mua” — bà Hiền, khoảng 70 tuổi, bán hàng trước cổng trường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phân trần.
Bác Dũng cũng là một người bán quà vặt ở cổng một trường học cho biết, mỗi ngày bác bán được gần chục túi (mỗi túi khoảng hơn 40 miếng, cứ 1.000 đồng/miếng) bim bim các loại.
Khi phóng viên tỏ vẻ lo ngại về chất lượng sản phẩm thì bác khẳng định “Tôi bán gần 4 năm rồi, chúng nó ăn đầy, có sao đâu”. Bác Dũng còn khẳng định thêm “những loại này làm mồi thì cực ngon, giá lại chỉ khoảng 15.000 đồng/gói thịt hổ, 20-25.000 đồng/gói thịt bò thăn, cực rẻ so với giá trung bình 23.000/lạng thịt bò mà chúng ta vẫn thấy ngoài chợ.”
Rõ ràng chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề phải bàn cãi với mọi mặt hàng đã có mặt trên thị trường, nhưng những sản phẩm bim bim này phải được đặc biệt quan tâm vì chúng nhắm chủ yếu vào đối tượng học sinh tiểu học, những đối tượng mà chưa thể phân biệt được sản phẩm có an toàn hay không.
Theo Pháp luật Việt Nam