-->

Header Ads

QC1

Tiêu 30 triệu/tháng: Vợ chồng trẻ khốn đốn với cú sốc tài chính

Loading...
Lương chồng 30 triệu đồng/tháng nhưng không tiết kiệm được đồng nào. Đùng một cái, chồng phải nghỉ việc, ở nhà hưởng lương trợ cấp 7 triệu đồng. Gặp cú sốc tài chính, hai vợ chồng gần như chết lặng bởi tiền không có mà vợ lại sắp sinh.

Tiêu sạch 30 triệu/tháng vẫn thiếu

Ngồi ghi ghi chép chép để cộng số tiền đã chi tiêu trong tháng 3 và những khoản lớn cần chi trong tháng tư này để chuẩn bị chào đón con đầu lòng, chị Lê Thị Trang ở TP. Vũng Tàu chia sẻ, giờ thì chị đã biết tính toán chi tiêu trong phạm vi 3 triệu đồng/tháng mà không cảm thấy thiếu trước hụt sau.

Chị Trang tâm sự, vợ chồng chị cưới nhau được gần 4 năm nay. Chồng chị làm kỹ sư cho một công ty dầu khí ở TP. Vũng Tàu, lương gần 30 triệu đồng/tháng. Nhà ở thì được công ty lo sẵn nên ngay sau khi cưới, chị chỉ việc ở nhà nội trợ chứ không phải bươn trải lo kiếm tiền.

Suốt gần 4 năm, cả hai vợ chồng lúc nào cũng có suy nghĩ "lương tháng nào chẳng lĩnh đều, chưa kể các khoản thưởng dịp lễ, Tết từ vài triệu đến cả trăm triệu, nên cứ tiêu thoải mái, hết lại có".

Vì thế, anh chị chưa bao giờ có kế hoạch việc chi tiêu chừng mực, tiết kiệm một khoản để đề phòng những lúc bất trắc, ốm đau,...

Cách chi tiêu không có kế hoạch khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ khốn đốn khi gặp cú sốc tài chính (ảnh minh họa)


Một tháng chồng chị ở ngoài giàn khoan khoảng 15 ngày. Một mình ở nhà nên đi chợ, thích ăn gì chị mua nấy. Đồ ăn ních chật tủ lạnh, chẳng mấy khi chị ăn lại đồ cũ. Đặc biệt, có những tháng anh chị tụ tập ăn uống hàng quán với bạn bè liên miên, nhiều hơn ăn cơm ở nhà. Quần áo mua sắm đầy tủ, điện thoại, xe cộ cũng đổi vài lần. Thế nên, có tháng tiêu sạch 30 triệu đồng rồi mà chị vẫn thấy thiếu .

Còn tiền thưởng Tết âm, Tết dương lên đến cả trăm triệu nhưng lần nào về quê ăn Tết cũng tiêu pha quà cáp cho mọi người hết sạch, chị Trang kể.

Đùng một cái, chẳng ai biết trước được chữ "ngờ". Giá dầu thế giới sụt giảm, công ty xuất khẩu dầu khí của chồng chị ảnh hưởng nặng nề do nguồn thu thấp. Đến tháng 12 năm ngoái, công ty quyết định ngừng khai thác một phần để tránh thua lỗ. Nhân viên theo đó cũng nghỉ tạm thời với mức trợ cấp chỉ bằng 1/4 lương cũ. Chồng chị cũng nằm trong danh sách nghỉ việc ở nhà, chưa biết khi nào đi làm trở lại.

"Nhận được tin đó, hai vợ chồng tôi dường như chết lặng vì tiền trong túi không có, lương tháng thì giảm chỉ còn vỏn vẹn 7 triệu đồng. Điều khiến cả hai hoang mang hơn cả là thời điểm đó tôi đã có thai được gần 5 tháng nên ngoài tiền tiêu còn phải lo nuôi con, lo lúc sinh nở nữa", chị Trang nói.

Lúc đó vợ chồng chị cứ ngồi nhìn nhau mà hỏi: Sao trước kia không để ra 5 triệu tiết kiệm? Nếu làm vậy thì gần 4 năm trời, vợ chồng cũng có một khoản kha khá dùng trong những lúc công việc khó khăn thế này.

Quay lại chi tiêu 3 triệu/tháng

Nhưng, điều đó giờ đã là quá khứ, không thể làm lại được.

Vì thế, ngay tháng đầu tiên nhận lương 7 triệu, chị lên kế hoạch chi tiêu trong vỏn vẹn 3 triệu đồng, 4 triệu còn lại chị để vào một chiếc hộp khoá lại cẩn thận để chi tiêu lúc sinh nở.

Cụ thể, tiền điện, nước, Internet, khám thai hết 800.000 đồng/tháng, còn 2 triệu chị quyết định chia ra cho 30 ngày, mỗi ngày được phép tiêu 60.000 đồng cho cả ba bữa ăn, số tiền 400.000 đồng còn lại để phòng mua sắm khi có việc phát sinh. Việc ăn nhà hàng, tụ tập bạn bè, mua sắm bị cắt giảm tối đa.

"Bữa sáng ăn mỳ tôm, miến, cơm rang tự nấu. Bữa trưa và tối luôn áp dụng một món chính là thịt hoặc cá, một món canh ăn kèm. Nguyên tắc không làm nhiều món, không nấu ăn cầu kỳ phức tạp để tránh tốn kém", chị cho hay.

Chị Trang cũng cho biết, tháng đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên cũng thiếu hụt mất tiền ăn mấy ngày cuối tháng. Song, chị kiên quyết không tiêu vào số tiền 4 triệu tiết kiệm mà chấp nhận ăn cơm muối lạc, cơm rang hành mỡ không.

Thành công tháng đầu tiên, sang tháng thứ hai, chị có nhiều kinh nghiệm trong chuyện chi tiêu cũng như đi chợ hơn nên cuối tháng, tiền đi chợ không những không thiếu mà còn dư ra thêm 200.000 đồng.

Đến nay, sau 4 tháng nghỉ ở nhà hưởng 1/4 lương, chồng chị đã đi làm lại. Tuy nhiên, hai vợ chồng đã rút ra được bài học "chi tiêu có kế hoạch". Bởi, nếu không có kế hoạch thì có 30 triệu hay 50, 70 triệu đồng/tháng vẫn là chưa đủ, còn nếu có kế hoạch thì chỉ cần vỏn vẹn 3 triệu đồng/tháng vẫn thấy dư thừa.

"Giờ vợ chồng tôi đã có khoản tiền tiết kiệm lên đến 16 triệu đồng để chuẩn bị cho kỳ sinh nở, chồng tôi cũng đã có việc trở lại với mức lương cũ gần 30 triệu đồng/tháng. Song, chắc chắn là tôi vẫn thực hiện kế hoạch tiêu tiết kiệm như 4 tháng qua dù biết khi có con tốn kém hơn rất nhiều”, chị nói.

Theo Lâm Mộc/Vietnamnet
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD