8 loại rau miền núi xưa chẳng ăn giờ thành đặc sản
Loading...
Được sinh ra giữa miền núi bao la, nhiều loại rau đã trở thành đặc sản của nhiều vùng đất phía Bắc bởi rất khó, và thậm chí là không thể tìm kiếm ở bất cứ nơi nào.
Rau bồ khai
Rau bồ khai gần đây nhiều người thích ăn. Ảnh: Tùng Xích Lô
Rau bồ khai thường mọc trên những vùng núi đá cheo leo, ngọn rau giống như cây tầm gửi, thân bám vào những cây gỗ lớn để vươn lên đón lấy cái trong trẻo của ánh sáng mặt trời. Bồ khai đem về chỉ cần nhặt sạch, lấy lá không và cuống non, sau đó xào cùng tỏi to lửa là sẽ được một đĩa rau xanh mướt, thơm giòn. Người ta biết đến rau bồ khai nhiều nhất là ở Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng…
Măng tre
Ở vùng núi có rất nhiều loại măng: măng mai, măng trúc, măng vầu với hai vị là vị đắng và vị ngọt, tuy nhiên vị đắng thì chỉ măng vầu mới có. Bất cứ loại măng nào cũng có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau: luộc, xào, nấu canh, hay phơi khô thành măng khô rồi dùng dần.
Rau sắng
Rau sắng là dạng cây thân gỗ, mọc tự nhiên trên núi và chủ yếu trong các vách đá như ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ... Rau sắng nấu lên có vị ngọt rất đặc biệt, lá non và đọt thân đều có thể đem xào thịt hay nấu canh. Nhưng người ta vẫn thích nấu canh hơn cả bởi có thể cảm nhận hương vị bổ mát từ nước.
Rau dớn
Rau dớn có vẻ ngoài giống cây dương xỉ, cành dài lá nhỏ, mặt lá có màu xanh nhẵn, cuống lá có lông. Rau thường mọc ở vùng núi cao, nơi có dòng chảy của sông đi qua, thường mọc ở bờ suối, khe mương, nơi có độ ẩm ướt. Rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Người ta thường hái ngọn cọng non, lá bánh tẻ để nấu canh hoặc làm nộm.
Nộm rau dớn là món ăn nhiều người mê. Ảnh: Thuý Nguyễn
Rau củ khởi
Là một loại rau dại, thường mọc trên hàng rào những gia đình đồng bào miền núi, đặc biệt nhiều nhất là ở Lào Cai. Rau củ khởi thường nấu với nước xương hoặc thịt băm. Ban đầu, bạn sẽ cảm thấy có chút vị đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau đó dần dần sẽ cảm thấy có vị ngọt ngọt đọng lại thích thú vô cùng.
Ngọn su su
Ngọn su su có nhiều ở vùng Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Loài rau rất phổ biến nhưng nó chỉ ngon khi được trồng ở những vùng núi cao phía bắc, nơi mùa đông có cái lạnh cắt da cắt thịt như ở Vĩnh Phúc, Lào Cai… Su su có thể xào riêng với tỏi, hay với thịt heo, thịt bò đều rất hấp dẫn, chỉ cần rửa sạch, đem xào gia giảm gia vị phù hợp là có thể thưởng thức ngay.
Rau sắn
Ít ai biết được rằng lá sắn cũng là một đặc sản chứ không riêng gì củ sắn như chúng ta thường ăn. Ở mảnh đất Phú Thọ, người ta đã biến thứ ra dân dã ấy thành những món ăn khác nhau. Trước tiên người ta muối chua lá sắn đó rồi để dùng dần, giống như việc muối dưa muối cà rồi để ăn trong nhiều ngày sau đó. Từ thứ dưa rau sắn này, người ta có thể ăn sống hay xào thịt, nấu canh, làm gỏi, kho cá… Mỗi món ăn đều mang hương vị thân thương của quê hương, của gia đình.
Rau cải mèo
Cải mèo - món ngon không thể bỏ qua khi đi qua các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cải Mèo là một loại rau sạch, một đặc sản của thiên nhiên ban tặng cho Sa Pa. Loại rau này có sức sống mãnh liệt, sinh trưởng khỏe dù điều kiện sống có khắc nghiệt. Cải Mèo có thể chế biến theo nhiều cách và cũng rất đơn giản như xào, luộc hay nấu canh. Đến với Sa Pa, du khách còn được thưởng thức một món ăn rất thú vị nữa đó là bò nướng cuốn cải mèo.
Theo Ngoisao.net