Rằm tháng Giêng trong đời sống tâm linh
Loading...
Ngày rằm tháng Giêng là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người châu Á. Có nơi thậm chí còn quan niệm "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng".
Thật ra Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng cúng rằm tháng giêng.
Đi chùa ngày rằm tháng Giêng
Trong dân gian với số đông người theo phong tục thờ cúng ông bà thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn... Rằm tháng Giêng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả. Còn theo các nhà thuật số, ngày rằm tháng Giêng còn là ngày vía Thiên quan, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm. Lễ vật cúng dâng sao dùng hoa quả, trầu cau, xôi oản, chè rượu, vàng mã và hình nhân thế mạng.
Thả hoa đăng trong ngày rằm tháng Giêng
Trước đây lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán , được ăn tết " bù "... Vì vậy, từ lâu trong tâm thức người Việt, rằm tháng Giêng đã có ý nghĩa không khác gì ngày Tết Nguyên đán.
Đêm ngày rằm tháng Giêng âm lịch cũng là Tết Nguyên Tiêu cổ truyền của nhân dân Trung Quốc, cũng gọi là "Tết Hoa Đăng ". Do đó những nơi có người Hoa sinh sống lễ đón rằm tháng Giêng thường treo đèn kết hoa, mọi người ra ngắm cảnh hoa đăng, đố câu đối...
Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Bởi cuộc sống có nhiều sự cạnh tranh khiến con người càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì vậy rằm tháng Giêng đa số mọi người thường đi lễ chùa và giải hạn nhằm cầu mong sự phù hộ để có một năm an lành và làm ăn phát đạt.
Theo Lamsao.com