Nỗi lòng con gái lấy chồng xa ngày Tết
Loading...
Tết đến là ngày gia đình sum vầy, cùng nhau quầy quần bên mâm cơm ấm cúng có bánh chưng, dưa hành, chả lụa… là ngày trẻ con mừng rỡ khi được nhận lì xì, người già mãn nguyện vì thêm tuổi thọ, là ngày những người trẻ tuổi gặp nhau, tay bắt mặt mừng hỏi han về một năm đầy biến đổi…
Và đó còn là ngày của những đứa con gái lấy chồng xa, sau những lúc vui vầy bên gia đình chồng là cảnh ngậm ngùi hướng về quê mẹ.
Thèm miếng bánh chưng quê mẹ
Bố mẹ ly dị từ lúc mới 3 tháng tuổi nên từ nhỏ cho đến khi xuất giá theo chồng, chị Lan (25 tuổi, Phú Thọ) chưa từng một lần được gọi bố. Nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, biết mình không thể thiếu mẹ và ngược lại nên cô luôn tâm niệm phải lấy chồng gần nhà, sau này dễ bề chăm sóc mẹ lúc tuổi già sức yếu.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, dù đã từng rung động trước 3 chàng trai cùng quê, sát vách có, chung xóm có thế nhưng Lan không nên duyên được với người nào. Cho đến khi học năm thứ 4 đại học, gặp gỡ một chàng bộ đội 28 tuổi quê Ba Vì (Hà Nội) cô mới có ý niệm về việc lấy chồng.
Lan gạt nước mắt lên xe hoa về nhà chồng cách nhà đẻ gần trăm cây số (ảnh minh họa)
“Nhà anh ấy cách nhà tôi gần trăm cây số nhưng ông Tơ bà Nguyệt mà đã se duyên thì khó cưỡng lại được. Mẹ tôi cũng sợ, nếu không lấy đám này thì biết đâu mai sau con gái còn lấy chồng xa hơn nên nhắm mắt gật đầu. Ngày cưới, hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở mặc cho mọi người hết lời an ủi: “Thời buổi này phương tiện hiện đại, muốn về với mẹ lúc nào mà chả được”, Lan giãi bày.
Ấy thế mà cái “lúc nào chả được đó” lại chưa bao giờ đúng với cô gái Phú Thọ. Chồng Lan là con trai một, lại là bộ đội đóng quân xa nên mọi việc nhà đều do một tay cô lo liệu. Thuở mới về nhà chồng, cứ hai tháng cô lại được “khăn gói” về quê thăm mẹ một lần, mỗi lần 2, 3 ngày. Thế nhưng, từ khi có con, thời gian đó được tính bằng 6 tháng, một năm.
Lấy chồng xa quê, xa mẹ, ngày thường buồn một thì ngày Tết buồn mười. Kể từ khi lấy chồng đến nay đã được 3 cái Tết nhưng chưa cái Tết nào Lan được về đón giao thừa với mẹ. Cũng chỉ bởi quan niệm “thuyền theo lái, gái theo chồng” mà người đời và cả bản thân cô đặt ra cho mình.
“Nhà chồng tôi không khó tính, nếu tôi quyết về ăn Tết với mẹ thì không ai ngăn cản, chỉ có điều, chính tôi cũng không đành lòng làm thế. Chồng năm nào cũng trực Tết, bố mẹ chồng thì già yếu, phận làm dâu như tôi làm sao mà bỏ về quê ăn Tết cho được. Thế nên năm nào cũng vậy, cứ 29 Tết, tôi hoặc chồng về nhà mẹ gửi lễ rồi lại ngược về nhà nội đón Tết. Đến mùng 3 hoặc mùng 4, gần như hết Tết rồi mới được thảnh thơi về ngoại chơi đôi ngày”, Lan tâm sự.
Lan luôn nghĩ, cô đã tròn bổn phận làm dâu nhưng chưa bao giờ tròn bổn phận làm con. Lúc sum vầy bên gia đình chồng, nghĩ về người mẹ đang lủi thủi ăn Tết một mình, cô đau thắt lòng. Ăn Tết xa quê, cô chỉ có thể hỏi thăm mẹ bằng vài cuộc điện thoại ngắn, phần vì bận rộn, phần vì sợ nghe mẹ nói thêm 2, 3 câu nữa chắc sẽ òa lên khóc.
“Lúc nào mẹ tôi cũng bảo: “Không sao đâu, ở đây mẹ có bà ngoại và nhà cậu rồi, con cứ lo Tết bên đó, mùng 2, mùng 3 thì đưa cháu về với mẹ”. Cứ nghe giọng mẹ là tôi không kìm nén được. Ở đây tôi có con, có bố mẹ chồng mà đôi lúc còn thấy Tết trống trải, mẹ chỉ có một mình không biết sẽ buồn và tủi thân đến chừng nào”, Lan ứa nước mắt.
Một mình nuôi con lớn mong có chỗ nương nhờ, giờ con lấy chồng xa vẫn lại chỉ có một mình đón Tết, cứ nghĩ đến đó là Lan không thể kìm lòng. 3 năm làm dâu là 3 cái Tết xa nhà, xa mẹ, Lan chưa từng hối hận khi năm xưa đã lấy chàng bộ đội quê Ba Vì nhưng nếu được chọn lại, cô quyết không lấy chồng xa để giờ phải kìm nén cảm xúc vừa hương vừa thèm miếng bánh chưng quê mẹ.
Lấy chồng theo chồng, muốn về quê ăn Tết thì phải mùng 2
Đó là điệp khú chị Định (sinh năm 1990, Vĩnh Phúc) đã phải nghe đi nghe lại suốt 5 năm nay, kể từ khi lên xe hoa về nhà chồng. Nhà chồng cách nhà mẹ hàng trăm cây số nên chưa năm nào cô được về quê đón một cái Tết trọn vẹn với gia đình.
Học xong Cao đẳng, cô chạy theo tiếng gọi tình yêu về Hải Dương làm dâu. Được nghe bà, mẹ, cô, dì nói nhiều về nỗi khổ lấy chồng xa, đặc biệt là lúc sinh nở và thời điểm năm hết Tết đến nên cô giao hẹn trước với chồng, cách một năm phải về nhà mẹ vợ ăn Tết một lần. Được chồng gật đầu, cô vui vẻ mặc áo cưới, xách vali đi... làm dâu.
5 năm làm dâu là 5 năm ĐỊnh phải đón Tết xa nhà đẻ (ảnh minh họa)
Cái Tết đầu tiên làm dâu, phải ở lại ăn Tết nhà chồng là hợp lý nhưng sang đến cái Tết thứ 2, cô vẫn không được bố mẹ chồng gật đầu cho về nhà bố mẹ đẻ chỉ vì bầu bí. Dẫu biết lý do nhà chồng đưa ra là hợp lý nhưng cô vẫn không khỏi buồn vì đã hai năm liền không được hưởng không khí Tết quen thuộc bên gia đình nhà đẻ.
Rồi đến cái Tết thứ 3, thứ 4, mỗi lần cô nhắc đến việc về ngoại ăn Tết đều bị chồng gạt đi.
“Ban đầu, anh ấy bảo con nhỏ, đi lại không tiện lợi sẽ không tốt cho con nhưng đến khi con lên 2 tuổi rồi, anh ấy vẫn trì hoãn. Có lần, tôi thẳng thắn nói chuyện với cả chồng và bố mẹ chồng về việc sang ngoại ăn Tết thì nhận được câu trả lời giá người: “Lấy chồng theo chồng, muốn về quê ăn Tết thì cũng phải từ mùng 2 trở đi, lý nào lại bỏ nhà nội kéo về nhà ngoại ăn Tết”. Tôi ấm ức vô cùng nhưng không nói lại câu nào vì quan điểm nhà họ đã vậy thì khó mà thay đổi được”, chị Định kể.
Suốt 5 năm nay, cứ mùng 3, mùng 4 Tết, chị Định và chồng con mới cùng nhau “khăn gói” về ngoại, ở được 2, 3 ngày lại phải đi. Vì đôi chút ấm ức với nhà chồng trong chuyện Tết nội, Tết ngoại nên hầu như, cứ đến khi đặt chân đến nhà mẹ đẻ, cô mới cảm nhận được không khí đầu xuân, năm mới.
“Mọi năm, ở nhà mình thường cùng mẹ đi sắm Tết, gói bánh chưng, chuẩn bị mọi thứ cho gia đình, vui lắm. Về nhà chồng, mình rất nhớ cái cảm giác vui vẻ, đầm ấm đó. Chẳng phải mình cố tình coi nhà chồng như người ngoài mà vì họ không thấu hiểu được nỗi lòng của người con gái lấy chồng xa quê, cứ một mực cho rằng, nhà chồng là trên hết nên mình không sao cảm thấy vui vầy và hòa hợp được. Ở lại nhà nội ăn Tết chủ yếu chỉ vì trách nhiệm", Định chia sẻ.
Giữa bộn bề cuộc sống, gần như chỉ có ngày lễ Tết người con cái mới có dịp được đáp lễ với những người sinh thành ra mình bằng cách sum vầy bên họ. Ấy vậy mà những cô gái trót lấy chồng xa còn không có cơ hội làm việc đó, nỗi lòng của họ không phải ai cũng có thể thấu hiểu.
Theo Thanh Thanh (danviet.vn)