-->

Header Ads

QC1

Những món ngon vừa sang chảnh vừa dân dã ở Khánh Hòa

Loading...
Khánh Hòa nổi tiếng với những món đặc sản sang chảnh như yến sào hòn Nội, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh hay sò huyết Thủy Triều…nhưng cũng có rất nhiều món ngon dân dã như bánh tráng xoài, nem nướng Ninh Hòa, bánh căn, bánh ướt…vô cùng hấp dẫn.

Gỏi cá mai

Tuy gỏi cá mai giờ đây không là đặc sản của riêng Nha Trang nhưng nếu là người sành ăn, hẳn không khó để du khách nhận ra sự khác nhau về hương vị cũng như đặc trưng của gỏi cá mai Nha Trang với gỏi cá mai Phan Thiết hay gỏi cá mai Vũng Tàu.

Nguyên liệu chính của món này là cá mai tươi, gia vị nêm, tỏi, ớt, đậu nành rang giòn thơm, gừng thái chỉ, hành tây thái mỏng, rau thơm các loại và chanh tươi hay dấm.

Yếu tố quyết định món gỏi có ngon hay không phụ thuộc vào nước chấm. Nếu như ở Phan Thiết, nước chấm được chế biến từ nước mắm, me với vị chua ngọt thì ở Nha Trang nước chấm cũng được làm khá công phu. Người ta chọn loại nước mắm thật ngon, tỏi ớt băm thật nhuyễn kết hợp với ít nước chốt chanh và đường để tạo cho nước chấm có vị mặn mặn, chua chua, ngòn ngọt. Để nước chấm ngon hơn, đậm đà hơn, người Nha Trang còn cho thêm một ít đậu nành rang, giã nhuyễn.

Gỏi cá mai thường được ăn kèm với bánh tráng, rau sống, khế chua, chuối chát.

Cá bò da nướng

Cá bò da khá phổ biến ở các miền biển, thịt trắng và dai, vị ngọt đậm đà. Có thể nướng đủ kiểu: nướng mọi, nướng than, nướng muối hoặc tẩm gia vị nướng giấy bạc. Nhưng dù chế biến kiểu nào, thì cá bò da vẫn ngon và quyến rũ...

Cá bò da khi còn sống rất xấu xí, nhìn vào chẳng thấy thèm ăn. Nhưng khi qua chế biến, lại có mùi thơm hấp dẫn, khiến bạn khó có thể cưỡng lại trước "cám dỗ" của nó.

Cá bò da có vị ngọt tự nhiên, khi ướp muối ớt thật cay, để thấm khoảng 30-40 phút rồi nướng trên lửa than hồng càng tăng hương vị. Khi cá chín đều, màu vàng ươm xen lẫn màu đỏ của ớt, thơm lừng, nhìn là phát thèm...

Ngoài ra, cá bò da còn có thể nướng với giấy bạc mùi vị cũng hấp dẫn không kém. Món này thường ăn kèm với bánh tráng, rau sống, và không thể thiếu nước chấm muối ớt xanh. Và cũng có thể nói muối ướt xanh này là 1 trong những "đặc sản" không thể thiếu khi ăn hải sản.

Thịt bò nướng Lạc Cảnh

Thịt bò nướng cũng là một trong những đặc sản của Nha Trang. Dân sành ăn vẫn kháo nhau rằng: "Đến Nha Trang mà chưa ăn bò nướng Lạc Cảnh thì mới biết Nha Trang có một nửa". Tuy đó chỉ là câu đùa nhưng thực ra cũng không phải quá lời. Trong cẩm nang ẩm thực của du khách nước ngoài luôn có địa chỉ của quán bò Lạc Cảnh.


Bí quyết làm nên vị ngon của món thịt bò này nằm ở các công thức trộn thịt bò với mật ong cùng hơn 10 gia vị của quán. Thịt bò nướng Lạc Cảnh được thái quân cờ và nướng trên than hoa. Tại quán có khá nhiều loại bò nướng để bạn lựa chọn. Món này thường được ăn kèm với rau sống, tuy nhiên bạn cũng có thể gọi thêm bánh mỳ hoặc bánh tráng để ăn kèm.

Yến sào hòn Nội

Yến sào là một trong những sản vật quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Khánh Hòa. Dưới thời phong kiến, yến sào là tặng phẩm, đứng đầu bát trân mà chỉ có Vua, chúa mới được dùng. Ở Khánh Hòa, yến sống tự nhiên trên hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, nổi tiếng nhất là yến sào hòn Nội, sau đó đến hòn Ngoại, hòn Sam....


Yến thường làm tổ trên vách núi đá cao, người ta thường dựng những giàn giáo bằng tre theo các vách đá để lấy tổ yến. Tổ yến được chia thành nhiều loại như: yến huyết, yến bã trầu, yến trắng, yến vàng… Theo Đông y, yến sào vị ngọt, tính bình, thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng, suy nhược, mệt mỏi, biếng ăn, khí huyết yếu kém, mất ngủ, tim đập nhanh, gầy ốm, da vàng… Ngoài ra, yến sào còn giúp tăng sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể... Yến thường được chế biến thành nhiều cách như chưng đường phèn, súp yến, yến tiềm gà ác, chè yến hạt sen, chè yến đường phèn, làm bánh...

Nem nướng Ninh Hòa (nem nướng Nha Trang)

Nem Ninh Hòa bao gồm nem chua hay nem nướng. Tuy nhiên, hầu hết các khách du lịch sẽ đều chọn nem nướng để thưởng thức ở Nha Trang và mua nem chua về làm quà cho mọi người.


Nem Ninh Hòa cũng sử dụng da heo thái sợi như nem chua Thanh Hóa nhưng thay vì gói bằng lá chuối, nem ở đây được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế còn non để để tạo mùi thơm. Ăn nem Ninh Hòa, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của thịt, vị chua dịu, ngọt, giòn, cay nhẹ quyện lẫn nhau rất thú vị. Đặc biệt, món nem nướng được ăn kèm với nộm từ đu đủ xanh mang lại một hương vị khá mới lạ.

Vịt Ninh Hòa

Nếu có dịp đi về Ninh Hòa, bạn sẽ thấy những đàn vịt hàng nghìn con đang kiếm ăn trên các cánh đồng sau mùa gặt. Vịt Ninh Hòa là loại vịt mập thịt, cổ dài, vì được nuôi tự nhiên ngoài đồng, thức ăn là hạt lúa rơi vãi, giun, ốc, cua đồng, tôm, tép... nên những con vịt ở đây luôn cho thịt chắc, ngọt ngon nhưng không dai nên rất được ưa thích.


Vịt Ninh Hòa có thể chế biến thành rất nhiều món ăn ngon, nào luộc, nướng, quay, xào, chiên, kho, hấp, sốt, rán, hầm, tiềm, bỏ lò... Trong đó phổ biến nhất là vịt nấu cháo, vịt luộc bóp gỏi ăn kèm mắm gừng, vịt ướp nướng chao, vịt xáo măng... món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn và đầy hương vị.

Tôm hùm Bình Ba

Là một đảo nhỏ nằm trên vịnh Cam Ranh, đảo Bình Ba thường được biết đến với tên gọi là đảo tôm hùm. Tên gọi đó bắt nguồn từ việc đây là thủ phủ cho nghề nuôi tôm hùm của cả nước. Tôm hùm Bình Ba là một món ngon nổi tiếng, vang danh cả nước. Du khách khi đến với Bình Ba chắc chắn không thể nào bỏ qua cơ hội thưởng thức những con tôm hùm tươi ngon vừa mới được bắt lên.


Tôm hùm Bỉnh Ba được du khách nhận xét là nhiều thịt, mềm và có vị ngọt rất đặc trưng. Người dân trên đảo thường chế biến tôm hùm thành các món, đơn giản thì nướng, hấp, cầu kì hơn thì lăn bột chiên, nấu canh chua tôm hay kho rim.

Cháo tôm hùm cũng là món ăn mà bạn không thể bỏ qua trong buổi chiều lộng gió trên đảo, ngoài ra, còn một món ăn rất đặc biệt mà rất nhiều người muốn ăn thử một lần cho biết khi đến đây đó là tiết canh tôm hùm. Đây là món ăn lạ, vị mằn mặn, ngòn ngọt ăn chung với bánh tráng cùng với các loại rau sống, không thể thiếu như ngò gai, rau diếp cá và có thể ăn chung với khế chua, chuối chát.

Nai khô Diên Khánh

Với những du khách ưa hải sản đã có món tôm hùm Bình Ba nổi tiếng thì món nai khô Diên Khánh chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai ưa thích đặc sản núi rừng. Ngày xưa, thị trấn Diên Khánh bao gồm cả huyện miền núi Khánh Vĩnh là một nơi có số lượng nai nhiều nhất trong cả tỉnh.


Ngày trước, nai còn nhiều, người dân thường hay đặt bẫy đánh bắt. Thịt nai tươi sống được ướp nướng, xào... dư thừa thì đem phơi khô để dành. Dần dà, món nai khô trở thành đặc sản mà ai đến Diên Khánh đều muốn được thưởng thức. Ngày nay, số lượng nai đã không còn nhiều để có thể đánh bắt như trước đây nên đặc sản nai khô của vùng đất này gần như khan hiếm và không còn ngon như trước.

Cá tràu Võ Cạnh

Cá tràu hay còn gọi là cá lóc là một món ăn quen thuộc từ Bắc vào Nam ở nước ta. Riêng ở Khánh Hòa, nói đến cá tràu là phải nhắc đến làng Võ Cạnh (một ngôi là nhỏ thuộc phường Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang), theo nhiều người thì cá tràu ở đây mập, thịt thơm ngọt và không có mùi tanh như cá ở những nơi khác.


Cá tràu ngon là phải đánh bắt ngoài tự nhiên, những con cá to mập hơn cổ tay người lớn, lớp da bóng mềm mỏng, thịt bên trong chắc dầy mới ngon. Cá khi bắt về còn tươi sống, được làm sạch và chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nướng trui, kho, nấu cháo, làm mắm...

Sò huyết Thủy Triều

Cuối cùng trong 6 món ngon là sò huyết Thủy Triều. Đây là tên gọi một đầm lớn nằm ở phía Bắc của bán đảo Cam Ranh. Ở đầm này có loại sò huyết nổi tiếng, xếp ngang hàng với sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên) và sò huyết Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Sò huyết ở đây không chỉ ngon mà còn nhiều, chỉ cần đi dọc theo mép đầm khi thủy triều vừa rút nước, cạo nhẹ lớp bùn trên mặt là bạn đã có thể bắt được sò.


Được xếp vào loại hải sản bổ dưỡng, nhất là đối với cánh đàn ông nên sò huyết rất được ưa thích. Người ta thường chế biến sò huyết thành nhiều món ăn ngon như sò huyết nướng tái, sò huyết xào me, rang muối ớt, bóp gỏi hay nấu cháo đều rất ngon miệng...

Ngày nay, vùng đất Nha Trang, Khánh Hòa đã có thêm rất nhiều món ăn ngon khác như: mực một nắng, bún cá dầm, bún sứa, bánh canh chả cá, cua huỳnh đế... Không chỉ làm phong phú thêm ẩm thực phố biển, những món ăn đó đều rất ngon miệng, trở thành đặc sản được nhiều du khách ưa thích.

Bánh tráng xoài

Bánh tráng xoài Nha Trang đặc biệt với vị xoài chua thanh, ngòn ngọt đậm đà đã làm say lòng nhiều du khách.

Bánh tráng xoài xuất xứ từ đất Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà (Nha Trang) – địa phương có giống xoài ngon ngọt nổi tiếng của nước ta. Bánh tráng xoài được chế biến khá đơn giản, nhưng phải thật khéo léo.


Bánh tráng xoài được cuốn trong miếng nylon để bảo quản. Đặc biệt, loại bánh này giữ được rất lâu và không bị ẩm mốc. Bánh tráng xoài ngon nhất phải có màu vàng nâu như màu cánh gián, không quá đen nhưng cũng không quá vàng; bánh mềm nhưng vẫn giữ được độ dai vừa phải; bánh có vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt; và phải có bề mặt láng nhưng không quá mịn.

Bánh căn Cam Ranh

Không giống bánh căn ở thành phố Nha Trang, cũng không giống cách chế biến bánh căn của vùng Phan Rang (Ninh Thuận), nhân bánh căn Cam Ranh thường ít dùng mực, thịt heo mà chỉ cái trứng cút đập ra chế lên mặt bánh, hoặc nơi nào sang hơn thì con tép nhỏ. Chiếc bánh cũng được đổ mỏng hơn nên có cảm giác giòn hơn.


Với món bánh căn, ngoài sự chăm chút và kinh nghiệm canh nhiệt độ khi nướng giúp chiếc bánh thơm giòn vừa phải thì còn cần phải có tay nghề pha nước chấm. Bởi theo dân ăn sành điệu, "bánh căn ngon đến mấy mà nước chấm dở thì xem như thất bại". Vẫn cầu kỳ với nhiều lọ nước chấm dành cho khách lựa chọn, song nước chấm bánh căn Cam Ranh chủ yếu là loại nước mắm pha theo vị chua chua ngọt ngọt kèm theo là hũ mắm cá cơm để khách thích ăn mặn thì bổ sung.

Bánh ướt Diên Khánh

Ở Nha Trang, nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là bánh ướt Diên Khánh, một huyện giáp ranh với thành phố Nha Trang. Từ lâu, bánh ướt Diên Khánh được biết đến với việc ăn kèm cùng với hành phi, giá trụng, tóp mỡ, chả lụa và nem chua. Miếng bánh mềm thơm mùi gạo, thêm một ít xoài xanh chua cuốn vào, chấm kèm với mắm sẽ cho mỗi người một cảm nhận.


Mắm ăn với bánh ướt cũng rất phong phú. Mắm nước làm bằng nước mắm ngon, pha ít nước cho loãng, rồi thêm gia vị: ớt, tỏi, đường, bột ngọt cho có độ dịu, thơm, có màu đo đỏ của ớt… Còn mắm ruột làm bằng ruột cá bò, cá ồ hay cá ngừ. Mắm nêm với thơm xắt nhỏ, pha đường, chanh, tỏi, ớt sao cho không mặn quá, có vị ngọt chua của thơm chanh, có vị cay của ớt, mùi thơm của tỏi.

Bún sứa

Sứa tai, sứa chân trĩu nước, mập mạp là nguyên liệu chính để chế biến món ăn thanh mát, đặc sản Nha Trang. Ngoài giải nhiệt, món lạ miệng này còn chữa được bệnh ho, viêm phổi và giúp khỏe người, lại phù hợp với người ăn kiêng hay có bệnh tim mạch với các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như: protein, canxi, chất sắt, i-ốt…

Bún sứa giải nhiệt, cực hợp cho những ngày hè đi biển!

Ngoài sứa thì trong bát bún còn có cá thu quết dẻo với dầu hành, tẩm gia vị ngon lành. Rồi lại còn nước dùng đậm đà vị biển từ mắm ruốc ngon và nạc cá thu. Tất cả cho cảm giác thanh đạm từ cá, hương vị trong trẻo với vị giòn giòn sần sật và mát lạnh của sứa, ngon tuyệt vời.

Bánh canh chả cá/Bún chả cá

Đây là món ngon Nha Trang mà hầu như ai tới đây cũng phải tìm thử. Dù là chả hấp hay chả chiên thì chả cá vùng biển đều hấp dẫn như nhau. Chả chiên thì thơm lừng, chả hấp thì ngọt dai. Nếu muốn đậm đà hơn, chỉ cần chấm thêm chút mắm nhĩ tỏi ớt là “hết sảy”.


Chả cá ngon là vì nguyên liệu có thể là cá mối, cá thu, cá thửng, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… nhưng đều tươi sống và nguyên chất. Cá sau khi đã lóc hết thịt, xương còn được ninh làm nước dùng cho bánh canh, càng tăng thêm vị thiên nhiên cho món ăn dân dã.

Bánh canh chả cá và bún chả cá khác nhau cơ bản ở nguyên liệu chính, một bên là bún sợi nhỏ, bên kia là bánh canh bột gạo. Bún chả cá thì có rau kèm còn bánh canh thì không. Về tổng quan, món nào cũng ngon, cũng dễ ăn. Tô nước dùng trong veo, nổi lên bánh canh hoặc bún trắng, điểm thêm vài miếng cá, hành hoa xắt thật nhuyễn, kèm theo chả cá thật ngon. Thực khách thêm chút ớt, chanh rồi xì xà xì xụp thật thú.

Theo Tùng Anh (Gia đình & Xã hội)
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD