Những điều chị em nhất định phải nhớ khi đi xe ga
Loading...
Nhiều chị em vẫn giữ những thói quen cố hữu khi đi xe số để áp dụng cho xe ga. Điều này vừa ảnh hưởng đến việc an toàn khi tham gia giao thông, vừa làm hao mòn xe nhanh.
Chị em thường là những người ít biết về máy móc cơ khí của những chiếc xe và những chiếc xe tay ga thường cũng chỉ cần nổ máy và đi. Thế nên nhiều chị em đã có những thói quen xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của chiếc xe cũng như độ an toàn khi đi trên đường.
Quên lịch bảo dưỡng
Yêu cầu đầu tiên để một chiếc xe tay ga có thể hoạt động êm ái và bền bỉ chính là việc được bảo dưỡng thường xuyên và đúng lịch. Thế nhưng, nhiều chị em phụ nữ khi sử dụng xe tay ga nhiều khi lại quên mất không để ý số km trên đồng hồ của xe, quá hạn vài trăm đến vài nghìn km rồi mới đi thay dầu, bảo dưỡng. Điều này sẽ nhanh làm chiếc xe tay ga xuống máy, tổn hại các chi tiết bên trong của động cơ.
Chị em khi sử dụng xe tay ga thường hay quên lịch bảo dưỡng chăm sóc xe.
Không chỉ quên bảo dưỡng thay dầu vệ sinh máy, chị em còn không chú ý đến việc kiểm tra phanh và lốp sau một thời gian sử dụng. Khi lốp xe thiếu hơi nếu không để ý có thể dễ dẫn đến sự mất ổn định của thân xe và phanh không ăn cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn do mất kiểm soát tốc độ.
Thường chỉ sử dụng một bên phanh
Phanh xe là một chi tiết để đảm bảo an toàn cho người lái xe và với các xe tay ga ngày nay thì hầu hết đều đã được trang bị phanh đĩa ở bánh trước để mang lại lực phanh lớn hơn. Thế nhưng, nhiều chị em khi đi xe tay ga lại thường có thói quen chỉ bóp một phanh trước hoặc phanh sau khi có chướng ngại vật.
Điều này là hoàn toàn không chính xác. Nếu chỉ bóp phanh sau của xe, đôi khi lực phanh không đủ sẽ làm chiếc xe không thể giảm tốc một cách an toàn. Còn nếu chi bóp phanh trước thì chiếc xe có thể quật ngã người lái xe bởi lực khoá của phanh lên bánh trước.
Do đó, để đảm bảo an toàn, chị em nên sử dụng đồng thời cả hai phanh để có lực phanh hiệu quả nhất và khi bóp phanh nên nhấp nhả một chút để vẫn có thể điều khiển được tay lái, tránh hiện tượng khoá chết bánh xe.
Phanh đĩa cho hiệu quả phanh tốt nhưng nếu sử dụng sai có thể sẽ gây tai nạn.
Giữ tay ga không ổn định, vừa hại xe, vừa tốn xăng
Những chị em có thói quen lên ga nhanh rồi đột ngột giảm tốc sẽ làm xe nhanh hỏng hơn, và đặc biệt thiệt hại trước mắt là xăng ngốn hơn rất nhiều so với cách đi xe đều tay ga.
Thực hiện những cú "ga thốc" cho xe vọt nhanh rồi sau đó phanh gấp sẽ khiến cụm côn ly hợp và dây cô roa truyền động nhanh bị hỏng hơn. Ngoài ra, khi thực hiện kiểu "ga thốc" và phanh liên tục cũng đồng nghĩa với việc bạn đang "ném" từng "cốc" xăng của mình đi một cách vô ích. Khi thốc ga, chiếc xe cung cấp cho bạn một gia tốc lớn và mạnh để có thể di chuyển dài hơn. Thế nhưng khi bóp phanh gấp, xe giảm tốc độ đột ngột khiến bạn sẽ phải tiếp tục "nạp" một lượng xăng tương ứng để đi tiếp. Hãy luôn giữ tốc độ và tay ga được đều nhất có thể, điều này sẽ mang lại độ bền cho bộ ly hợp, dây cua-roa và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Sai lầm khi vận hành xe ở tốc độ chậm
Khi sử dụng trong vùng đô thị, đa phần chị em chạy xe với tốc độ khá chậm. Để đảm bảo an toàn giao thông, điều này rất khả thi. Nhưng nếu chạy chậm quá, cũng không tốt cho xe ga. Với những chiếc xe ga sử dụng két nước, điều này vô tình gây ra tình trạng nhiệt độ xe tăng cao và xe tốn nhiên liệu hơn. Khi vận hành những chiếc xe ga có sử dụng két nước, bạn nên đi ở một tốc độ trung bình khoảng trên 40km/h tùy mức độ an toàn cho phép của đoạn đường vận hành. Việc vận hành chiếc xe nhanh hơn một chút sẽ giúp lượng gió làm mát cho két nước được nhiều hơn và đỡ tốn nhiên liệu hơn.
Ngoài ra, không nên điều chỉnh cảm biến nhiệt độ kích hoạt hệ thống làm mát muộn hơn hoặc sớm hơn so với nguyên bản. Bởi động cơ khi quá nguội hoặc quá nóng đều không thể làm việc tốt. Nhiều trường hợp do thợ sửa xe điều chỉnh quạt làm mát khởi động sớm nhằm...tiết kiệm điện đã vô tình làm động cơ trở nên nóng hơn, nước sôi ở nhiệt độ cao và tăng khả năng sinh cặn tại két nước. Hãy luôn vệ sinh két nước và thay mới nước làm mát trong quy trình bảo dưỡng toàn bộ xe.
Thay dầu láp và dầu máy thường xuyên với loại dầu thích hợp
Chị em nhớ nhé, cần thay cả dầu láp và dầu máy, chứ không phải thay riêng dầu máy. Giá thay dầu láp cho một chiếc xe ga thông thường chỉ khoảng 40.000 VNĐ. Các thợ sửa xe thường khuyên 2 lần thay dầu máy thì tương đương với một lần thay dầu láp.
Tuy là thay thường xuyên, nhưng không phải xe ga có thể sử dụng bất kỳ loại dầu nào. Với tâm lý "dầu nào rẻ thì thay" và "dầu nào cũng là dầu" của nhiều chủ xe sẽ khiến cho động cơ hay gặp trục trặc và độ bền giảm đi. Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều loại dầu được bày bán với công dụng và tính năng khác biệt. Vì vậy, lựa chọn đúng loại dầu sử dụng cho xe ga là điều quan trọng. Có nhiều cách để tìm đúng loại dầu cho xe mình, cách tốt nhất là hãy đọc kỹ loại dầu sử dụng cho xe được ghi trong sách hướng dẫn sử dụng mỗi khi mua xe mới. Khi thay dầu xe, hãy đừng "tiếc tiền" bởi dầu xe ga luôn đắt hơn xe số thông thường. Hãy hỏi kỹ loại dầu dùng cho xe ga trước khi thay dầu. Cách đơn giản nhất, trên mỗi chai dầu dùng cho xe ga luôn có chữ "scooter" ghi trên nhãn hộp.
Lắp thêm đồ chơi hoặc bộ chống trộm trôi nổi
Để bảo đảm an toàn cho chiếc xe tay ga của mình, nhiều chị em thường được tư vấn lắp thêm các bộ khoá điện tử chống trộm. Tuy nhiên, mỗi chiếc xe tay ga khi xuất xưởng đều đã được tính toán sao cho hoạt động tối ưu nhất. Bất cứ một thiết bị ngoại vi nào được gắn thêm đều có thể làm ảnh hưởng đến hệ thống điện của xe. Với những mẫu xe tay ga cao cấp như Vespa Primavera hay Vespa Sprint đều được trang bị hệ thống khoá từ nên khả năng chống trộm của những dòng xe này là rất tốt, chị em có thể hoàn toàn yên tâm mà không cần phải lắp thêm các loại khoá chống trộm khác nữa.
Trùm áo mưa lên đầu xe
Trùm áo mưa qua đầu xe không gây mất an toàn và dễ làm chảy choá đèn.
Xe tay ga thường có lợi thế với sàn để chân rộng và tay lái thoáng nên nhiều chị em thường trùm cả áo mưa qua đầu xe để không bị ướt và kín gió hơn. Thế nhưng khi trùm áo mưa qua đầu xe, các chị em đã làm giảm đi sự linh hoạt của đầu xe bởi áo mưa ướt sẽ quấn chặt vào tay lái và đồng thời cũng tăng sức cản gió do áo mưa căng ra khi di chuyển.
Bên cạnh đó, còn phải nói đến những trường hợp đi vào buổi tối, nhiệt lượng toả ra từ đèn pha của xe tay ga có thể sẽ làm nóng chảy lớp áo mưa phủ trên bề mặt đèn gây hư hại cả lớp choá ngoài của đèn pha.
Phóng nhanh phanh gấp
Khi lái xe tay ga, điều khiển xe một cách êm ái mượt mà luôn là yêu cầu cần thiết để đảm bảo độ ổn định của than xe, khả năng tiêu thụ nhiên liệu và đồ bền của các chi tiết máy. Thế nhưng nhiều chị em lại thường có thói quen kéo ga mạnh khi mới bắt đầu đi để lấy tốc độ và phanh gấp khi gần đến chướng ngại vật. Thói quen này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến chiếc xe tay ga và cũng tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.
Theo Khỏe & Đẹp