Tôi dại dột chơi trò “ngủ đôi” trong một chuyến xa nhà
Loading...
Vừa lo sợ, vừa thấy mình đáng trách, tôi không dám nói với ai, cũng không dám tự mình đứng lên tố cáo, mà luôn sống trong im lặng, nhiều khi rơi vào trạng thái stress.
Giá như không có mùa hè năm ấy, giá như tôi không tham gia vào trò chơi dại dột ấy thì có lẽ tôi sẽ không cảm thấy hối hận, và không thấy mình đáng trách như bây giờ.
Trong kỳ nghỉ hè đầu tiên của thời cấp ba, cả nhóm tôi ( 5 nam, 5 nữ) đã quyết định đi du lịch xa nhà 10 ngày. Mặc dù hơi sợ, nhưng tôi không muốn bỏ qua cuộc chơi thú vị này.
Sai lầm khi "trót dại"...
Lúc ấy bố mẹ tôi đều đang mải lo kiếm tiền, ít quan tâm đến con cái. Bố mẹ chỉ quan tâm tôi cần bao nhiêu tiền và cần tiền làm gì là được. Vì thế, tôi rất dễ đưa ra lý do thuyết phục để đánh lừa bố mẹ để đi chơi.
Như đã định, chuyến du lịch sẽ bắt đầu vào Chủ nhật, tuần đầu tiên của kỳ nghỉ hè. Sau một ngày ngồi xe từ Hà Nội vào Thanh Hóa, chúng tôi ai đấy cũng đều mệt nhừ, muốn nghỉ ngơi chứ không còn hứng thú với các trò chơi.
Ngày thứ hai cả nhóm cùng ra biển ngắm bình minh, nghe sóng vỗ, và hít thở không khí trong lành. Biển đẹp như một bức tranh muôn màu, dịu êm như một bản nhạc du dương và thanh tĩnh hơn những gì tôi tưởng.
Tối đến cả nhóm lại ra biển câu mực. Ánh sao, ánh trăng, và ánh đèn điện làm cho biển rực rỡ như một thành phố trước mặt chúng tôi. Tất cả cùng hát, cùng nô đùa, và cùng thả hồn theo tiếng sóng biển về đêm. Sau đó chúng tôi lại cùng ngồi quây tròn bên đống lửa được đốt lên từ những cành củi khô.
Quả thật kỳ nghỉ hè sẽ vui biết bao nhiêu, đáng nhớ biết bao nhiêu nếu như mọi người không nghĩ ra và hưởng ứng một trò chơi dại dột - trò “ngủ đôi”.
Tên mọi người được viết lên mẩu giấy nhỏ, ai gắp thăm phải người nào thì sẽ ngủ cùng người ấy tối nay, và có một quy định là chỉ ngủ chứ không được làm gì. Nhưng biết sao được là mọi người sẽ làm gì? Tôi phản đối kịch liệt, quyết định bỏ cuộc chơi ra biển một mình. Cả đêm hôm ấy tôi không quay lại vì vừa thấy sợ, vừa thấy tức.
Tối hôm sau mọi người vẫn tiếp tục trò chơi dại dột ấy mà không cho tôi biết. Trong bữa tối, mọi người cùng kích tôi, ép tôi uống rượu cho đến khi say mềm người không biết gì nữa, rồi tiếp tục “trò chơi”.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi không nhớ chuyện gì đã xảy ra và vô cùng hoảng sợ khi thấy người nằm cạnh mình là một bạn trai trong nhóm. Hốt hoảng, tôi lao ra biển, vừa chạy vừa khóc.
Nhưng rồi không đủ can đảm, tôi lại quay lên và bắt xe về thẳng Hà Nội kết thúc kỳ nghỉ hè.Tôi đã tự hứa với lòng mình, từ bây giờ sẽ không bao giờ tham gia vào cuộc vui nào cùng những nhóm bạn ấy nữa.
Thời gian sau, khi gặp lại nhau họ vẫn tiếp tục rủ tôi đi chơi. Nhưng tôi phản đối và dọa sẽ báo công an. Thật bất ngờ khi tất cả đều cười và nói như thách thức: “Ấy cứ thử đi, rồi ấy sẽ biết hậu quả ai là người gánh chịu nhiều nhất”. Không những thế, họ còn cho biết đã có những tấm ảnh thú vị trong buổi tối hôm ấy được lưu lại làm kỷ niệm.
Vừa lo sợ, vừa thấy mình đáng trách, tôi không dám nói với ai, cũng không dám tự mình đứng lên tố cáo, mà luôn sống trong im lặng, nhiều khi rơi vào trạng thái stress.
Từ đó tôi luôn thu mình trong một vòng tròn ổn định, ít tiếp xúc với bên ngoài và cảm thấy mình như bị mắc căn bệnh trầm cảm. Và bây giờ tôi chỉ còn biết tự an ủi lòng mình bằng hai từ “giá...như...”.
Theo tienphong.vn