Những điều cần biết để đề phòng tử vong do ngạt thở trên ô tô
Loading...
Những tai nạn ngạt khí trên xe ô tô, làm trẻ em thương vong một phần là do sự sơ ý, đãng trí của người lớn, một phần là do thiếu hiểu biết. Nếu người lớn hiểu rõ và biết cách đề phòng bị ngạt thở trên ô tô đã dừng, đỗ, thì chắc chắn sẽ khó xảy ra những hậu quả thương tâm như vậy.
Để trẻ chơi hoặc ngủ một mình trên xe ô tô là hết sức nguy hiểm
Hãy chú ý những hiểu biết tưởng như nhỏ nhặt dưới đây, nhưng có thể cứu mạng sống những người thân của bạn:
7 lưu ý không bị chết ngạt
Do không gian bị đóng kín, lượng oxy trong khoang xe giảm dần, trong khi người ngủ trên xe hoặc ngủ say, hoặc ngạt khí dần dần, hoặc còn quá nhỏ không thể phản ứng tự vệ mở cửa xe, nên từ từ lịm đi rồi tử vong.
Trên thực tế, trường hợp bật điều hòa ngủ trên ô tô thường chỉ được các lái xe cơ quan, công ty hoặc những người không quan tâm tới chuyện tốn xăng mới áp dụng và xác định ngủ trong một thời gian ngắn. Đa số các lái xe còn lại, đặc biệt đối với lái xe taxi (trừ khi trời quá nóng bức, khổng chịu nổi), thì việc bật điều hòa, kéo kín kính khi ngủ là điều xa xỉ, nên giải pháp duy nhất là chốt cửa, hạ cửa kính như đã nêu trên.
Nếu bất đắc dĩ cần phải ngủ lại ở trong xe ô tô, tài xế lái xe cần chú ý thực hiện 7 điều sau:
- Chọn nơi thoáng đãng không khí lưu thông tốt. Nếu thời tiết nóng bức, lái xe cần chọn vị trí râm mát, dưới gốc cây.
- Tránh đỗ xe trong không gian chật hẹp, bí khí bởi trong trường hợp này ngay cả mở hết cửa xe bạn vẫn có thể bị thiếu oxy hay nghiêm trọng hơn là ngộ động khí CO thải từ động cơ.
- Việc bật điều hòa nhưng lấy gió trong cũng khiến lượng oxy trong xe giảm dần. Có thể, ở những xe đời mới, điều hòa sẽ tự động lấy gió ngoài bổ sung dù người điều khiển chọn chế độ lấy gió trong; nhưng dẫu vậy thì, việc đóng kín cửa và bật điều hòa lấy gió trong rồi ngủ trong ô tô vẫn tiềm nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng.
- Để tránh bị chết ngạt khi ngủ trên ô tô, điều quan trọng nhất là cần hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ oxy cho người ngủ trong xe.
- Lưu ý chốt cửa, không hạ kính quá sâu, chỉ hạ khoảng 1,25 - 1.5cm là hợp lý. Hạ kính xuống quá nhiều lại có thể gây cảm lạnh trong điều kiện thời tiết lạnh, đồng thời không đảm bảo an toàn tài sản trên xe.
- Trường hợp bật điều hòa và đóng kín cửa xe, lái xe cần chọn chế độ lấy gió ngoài, bổ sung oxy cho khoang cabin.
- Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể đặt báo thức sau mỗi giờ, việc này khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhưng nó giúp bạn kiểm soát tình huống tốt hơn bởi ngủ trong xe hơi chưa bao giờ là an toàn.
Tuyệt đối không bỏ mặc, bỏ quên trẻ trên xe
Bên cạnh những tình huống lái xe ngủ quên trên xe gây tử vong, thì tình trạng những em bé bị bỏ quên, hay bị bỏ lại trong xe một mình dẫn tới bị tử vong do ngạt khí cũng không phải là hiếm, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Mỗi năm, trung bình có tới 40 trẻ em thiệt mạng vì bị “bỏ quên” trong những chiếc xe đỗ trong thời tiết nắng nóng, oi ả. Đó là con số thống kê tính riêng tại nước Mỹ khiến nhiều bậc cha mẹ phải giật mình.
Trong những vụ việc đó, có những trường hợp là do bố mẹ để quên con trên xe mà không hề hay biết, có những trường hợp là do bố mẹ cố tình bỏ con trên xe để đi giải quyết công việc của mình mà khi quay trở lại xe thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Đối với trẻ em, tử vong do sốc nhiệt có thể xảy ra kể cả khi xe đỗ trong bóng râm.
Thân nhiệt của trẻ em có thể tăng nhanh hơn gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Sốc nhiệt xảy ra khi thân nhiệt vượt quá 40 độ C và nếu đạt mức gần 42 độ C có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, giải pháp cho tình huống này chỉ là lời khuyên dành cho tất cả các ông bố, bà mẹ lái xe ô tô là cần phải quan tâm, chú ý tới con mình, không để lại mình con trên xe. Cẩn thận hơn nữa, trước khi rời khỏi xe thì nên kiểm tra lại trong xe, tránh để quên con hay để quên những đồ vật dễ gây cháy nổ.
Xử trí tình huống khẩn cấp
Khí CO2 không mùi, không vị, không gây đau đớn, do đó người bị ngạt không hề có phản ứng tự vệ, cơ thể không “cảnh báo” được nguy hiểm để kịp thời thoát khỏi phòng. Đến khi bị sốc do thiếu oxy, cơ thể ngột ngạt, khó thở thì lập tức họ đã rơi vào trạng thái hôn mê và tử vong do ngạt. Thông thường khi bị ngạt khí nặng, những biểu hiện sẽ xảy ra như: đau ngực, hồi hộp, mất định hướng, co giật, hôn mê, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, thiếu máu cơ tim, phỏng da, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ. Người ngoài có thể thấy nạn nhân bị ngất, khó thở, thở trào bọt hồng, tay chân sưng đau, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân, nước tiểu sẫm màu, đỏ và ít dần hoặc có những động tác bất thường.
Cơ hội sống sót của nạn nhân bị ngạt khí phụ thuộc vào thời gian được đưa tới bệnh viện. Khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng. Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ. Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, có thể cần phải trợ giúp bằng hô hấp nhân tạo.
Hàn Thủy/Theo An ninh Thủ đô