Nhìn nước tiểu đoán sức khỏe của bé
Loading...
Sự thay đổi màu sắc của nước tiểu ắt hẳn là có lý do, quan trọng hơn nguyên nhân này có thể xuất phát từ căn bệnh tiềm ẩn nào đó trong cơ thể bé.
Màu nước tiểu bé lúc trắng trong, lúc vàng nhạt, vàng sẫm. Sự thay đổi này ắt hẳn là có lý do, quan trọng hơn hết nguyên nhân này có thể xuất phát từ căn bệnh tiềm ẩn nào đó trong cơ thể bé.
Nhiều mẹ không biết rằng, nước tiểu có thể nói lên tình hình sức khỏe hiện trạng của trẻ. Tùy vào lượng nước bé uống và lượng mồ hôi bé tiết ra, bé sẽ đi tiểu nhiều hay ít, nhưng bình thường là khoảng 5-6 lần. Khi thấy màu nước tiểu của bé thay đổi, có mùi bất thường, mẹ nên đưa bé đi thăm khám để kiểm tra xem con có bệnh gì không.
1. Nước tiểu bé có màu vàng nhạt
Đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bé hoàn toàn khỏe mạnh. Khi trẻ ăn uống hợp lý, đi tiểu, đi tiêu bình thường, nước tiểu có màu vàng trong, khá giống nước trà xanh pha loãng nước đầu.
2. Nước tiểu bé có màu trắng trong
Sức khỏe trẻ em phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người lớn. Khi mẹ cho bé uống quá nhiều nước, nước tiểu bé thường có màu trắng trong. Uống nhiều nước là tốt, nhưng quá nhiều lại không nên. Cơ thể trẻ khi bị thừa nước sẽ gây áp lực làm thận hoạt động quá sức, ảnh hưởng đến chức năng thải lọc, bài tiết.
3. Nước tiểu có màu vàng sẫm
Nước tiểu bé vàng sẫm? Chắc hẳn mẹ không cho con uống đủ nhu cầu nước hằng ngày. Màu nước tiểu càng đậm, cơ thể bé càng đang thiếu nhiều nước. Ngoài ra, màu vàng sẫm của nước tiểu còn có thể là hệ quả bởi các loại thuốc bé uống hoặc mẹ uống và cho con bú, hoặc do mẹ cho con bú và ăn quá nhiều chất phụ gia màu vàng.
Nước tiểu màu vàng sẫm của bé còn là cảnh báo dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu.
Chưa hết, nước tiểu màu vàng sẫm của bé còn là cảnh báo dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu. Đi kèm với bệnh, trẻ có thể bị sốt kéo dài. Lúc này, mẹ nên tìm cách bù nước cho con, và đưa trẻ đi thăm khám để điều trị kịp thời.
4. Nước tiểu màu đậm như trà đặc
Không đơn giản chỉ là thiếu nước, khi trẻ đi tiểu có màu trà đặc, đó có thể là dấu hiệu của một số bệnh như viêm gan, viêm túi mật, sỏi thận… Nếu tình trạng nước tiểu đậm màu kéo dài, mẹ nên đưa bé đi khám để phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời.
5. Nước tiểu bé có màu đỏ
Nếu mẹ hay cho bé ăn thực phẩm có màu đỏ, hồng, dù phẩm màu nhân tạo hay tự nhiên, nước tiểu bé màu đỏ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu không phải vậy, có thể bé con nhà bạn đang gặp vấn đề về thận, bị nhiễm trùng bọng đái hoặc bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc.
6. Nước tiểu màu trắng đục
Nguyên nhân làm nước tiểu bé có màu trắng đục có thể do trẻ bị vi khuẩn, virus xâm nhập gây tổn thương, gây bệnh đường tiết niệu… Mẹ cần cho bé đi khám để xét nghiệm nước tiểu và tìm hiểu nguyên nhân.
(Em đẹp)/Theo Khỏe & Đẹp