Thưởng thức xe chè đậu 30 trong hẻm Sài Gòn
Loading...
Khách đến ăn chè thưởng xuyên hay chỉ thỉnh thoảng ghé qua vẫn cảm nhận được hương vị ngọt thanh như lần đầu trong từng chén chè đậu của bà Hai.
Những người dân sống trong con hẻm 236 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh từ bao năm qua đã quen thuộc với hình ảnh xe chè đậu của bà Hai vào mỗi buổi chiều. Xe chè không bảng hiệu, thực đơn, chỉ có những nồi chè được đặt ngay ngắn và vài chiếc ghế nhựa, ấy vậy mà lúc nào cũng tấp nập khách.
Xe chè của bà Hai bán từ 3h chiều đến 9h tối. Bên cạnh chè đậu đen, đậu xanh, đậu trắng được bán vào các ngày, bà còn bổ sung thêm vào mỗi thứ trong tuần với một món chè đặc biệt. Những ai yêu thích món chè thưng vào thứ hai, chè ba ba ngày thứ ba hay chè chuối thứ tư... đều phải tự ghi nhớ và canh mua lúc xe chè vừa mới đẩy ra.
Xe chè Bà Hai đơn sơ nhưng được nhiều người biết đến
Một ngày bà mất hơn 5 giờ đồng hồ để chuẩn bị và nấu các món chè. Xe chè nổi tiếng ngon và sạch sẽ cũng nhờ bà kỹ lưỡng trong từng khâu. Với bà Hai, chè ăn không những ngon mà còn phải đẹp mắt. Như món chè chuối, để nấu không bị ra màu thâm tím, chuối phải được luộc một lần rồi đổ nước đi. Hay với chè hoa cau, muốn nấu ra màu trắng không đục, bột năng phải ngâm qua một đêm. Chè đậu đen muốn ra màu đen óng ánh, phải chọn nấu đậu Long Xuyên với vị bùi và béo.
Bà Hai chia sẻ: “Bí quyết để nấu chè ngon là cân bằng lượng đường, đậu, bột và các hương liệu, nên tôi luôn dùng cân để đong chính xác từng thứ chứ không áng chừng”. Có lẽ chính sự tỉ mỉ này, mỗi chén chè của bà Hai luôn đảm bảo sự thơm ngon, ngọt thanh, ăn không có cảm giác ngấy.
Bà Hai cho biết lần đầu được biết đến cách nấu những món chè truyền thống là lúc khoảng 8 tuổi. Khi đó, bà cùng cha rời quê lên Sài Gòn và ở trọ chung cùng một người phụ nữ quê ở Phan Thiết làm nghề bán chè. Ngày nào ở chung cũng được quan sát công việc từ lúc chuẩn bị cho đến khi nấu thành phẩm, bà Hai dần học được nhiều điều.
Nhiều năm sau đó, bà bắt đầu kiếm sống với đôi quang gánh tàu hũ, dần dần thấy khách thích ăn đa dạng nhiều món, bà Hai nhớ lại cách nấu chè và các vị được nếm để nấu ra. Gánh chè bà Hai khi đó ai đã ăn ghiền là ngày nào cũng gọi đến tận nhà để ăn. Mãi đến sau này, bà Hai mới chuyển sang đẩy xe bán chè vì bị đau khớp, ngót ngét cũng hơn 30 năm gắn bó với nghề.
Chén chè hòa quyện vừa phải giữa vị bùi của đậu, vị béo của nước cốt dừa và mùi thơm thoang thoảng đầy hấp dẫn
Anh Hinh (35 tuổi, quận Bình Thạnh) là khách ruột của xe chè từ khi còn là sinh viên ở trọ trong con hẻm. "Bây giờ tuy có gia đình và chuyển đi nơi khác, tôi vẫn nhớ như in lịch bán món chè trôi nước yêu thích vào ngày thứ năm hàng tuần, và lần nào cũng phải mua vài bịch cho cả nhà", anh Hinh kể.
Giờ tan tầm, học sinh, sinh viên và nhân viên văn phòng trong con hẻm thường xuyên ghé qua lót dạ bằng chén chè đậu. Có khách mua về cả chục bịch, khiến bà Hai múc chè mỏi tay vẫn không kịp phục vụ.
Ngồi ăn cùng người bạn gái lần đầu được dẫn đến xe chè, bạn Ngọc cho biết thích món chè đậu đen của bà Hai với vị bùi, ngọt thanh và đặc biệt ăn không thấy ngán. “Bây giờ thỉnh thoảng mới có việc đi qua đây, nhưng lần nào tôi cũng phải ghé vào ăn ly chè cho mát. Biết quán chè ngon nên mình dẫn bạn gái đến đây giới thiệu”, Ngọc vui vẻ chia sẻ.
Hơn 30 năm qua, xe chè bà Hai vẫn luôn được mọi người yêu thích
Hơn 30 năm qua, dù vật giá thị trường có biến đổi, bà Hai vẫn luôn cố gắng giữ mức giá bình dân cho các món chè. Mỗi chén chè chỉ có giá 5.000 đồng, nhưng chất lượng vẫn không thay đổi. “Bán lời nhiêu đó là đủ rồi, tăng thêm thì công nhân, học sinh sao có tiền mua”, bà Hai cởi mở nói thêm.
Theo Đức Thành (Vnexpress)