Những người ngắm Sơn Đoòng miễn phí
Loading...
Tour khám phá hang động lớn nhất thế giới có giá 3.000 USD, nhưng những người gùi hàng được ngắm những cảnh đẹp mê hồn của kỳ quan này đôi ba lần mỗi tháng.
Sau khi những hình ảnh tuyệt đẹp của Sơn Đoòng được kênh truyền hình Mỹ ABC News đưa lên sóng trong chương trình Good Morning America hôm 13/5, cơn sốt thèm muốn khám phá kỳ quan này như được đẩy lên cao. Nhiều người muốn đến đây đành phải chờ đợi. Nhưng các porter của Oxalis (đơn vị lữ hành độc quyền khai thác tour Sơn Đoòng) lại được ngắm thường xuyên.
Những porter Sơn Đoòng. Ảnh: Jason Speth.
"Trong đợt đoàn làm phim ABC thực hiện các cảnh quay trực tiếp ở hang Én, chúng tôi đã huy động 150 người tham gia làm các nhiệm vụ khác nhau. Họ vận chuyển 150 va - li thiết bị kỹ thuật, 12 máy phát điện cùng nhiều vật dụng khác vào Sơn Đoòng và hang Én", ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Oxalis cho hay.
Quá trình tuyển chọn porter cho tuyến thám hiểm này rất nghiêm ngặt, ưu tiên nam giới ở địa phương, đặc biệt là những người có bản năng, kinh nghiệm đi rừng. Bộ phận hành chính xét duyệt hồ sơ, lý lịch. "Vua hang động" đặt tiêu chí sức khoẻ và kinh nghiệm đi rừng lên hàng đầu - phải là những người giỏi bơi lội, leo trèo cùng bản năng đi rừng đã ăn sâu vào máu của rất nhiều đàn ông ở vùng Sơn Trạch mới được nhận.
Vua hang động Hồ Khanh. Ảnh: Văn Được.
"Công ty có 72 porter ưu tú nhất phục vụ tuyến Sơn Đoòng. Tôi làm tổ trưởng điều hành 3 nhóm, mỗi nhóm 24 người. Trong mỗi nhóm có trưởng nhóm, 2 hướng dẫn viên, 2 đầu bếp, còn lại làm nhiệm vụ gùi hàng bao gồm thức ăn, trang thiết bị, vật dụng cần thiết cho chuyến đi. Khách đi Sơn Đoòng chỉ mặc áo quần nhẹ và đội mũ bảo hiểm, đèn pin, còn hành lý đều do porter gùi", Hồ Khanh cho biết.
Trước khi được chọn vào làm porter Sơn Đoòng, những người này đều được công ty phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh đào tạo về ngoại ngữ, cách ứng xử với du khách. Những kỹ năng về thám hiểm hang động, sử dụng các trang thiết bị, xử lý những sự cố do các chuyên gia của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đào tạo.
"Vào mùa nghỉ khai thác (từ tháng 9 đến tháng 1 hàng năm), chúng tôi đào tạo thêm cho mọi người về ngoại ngữ, kỹ năng phục vụ và truyền đạt kinh nghiệm kinh doanh về du lịch cho họ. Chúng tôi khuyến khích anh em kinh doanh, tăng gia sản xuất cung ứng thực phẩm, sản vật địa phương để tăng thu nhập", ông Nguyễn Châu Á nói.
Nhờ được đào tạo bài bản cùng quá trình huấn luyện kỹ lưỡng và bản năng sẵn có, porter Sơn Đoòng được du khách nước ngoài đánh giá cao. Maria Stefanopoulos, Trưởng phòng sản xuất chương trình Good Morning America nhận xét: "Họ làm việc rất cẩn thận và chuyên nghiệp, mang lại độ an toàn cao trong hành trình đầy nguy hiểm vào Sơn Đoòng".
Ông Howard Limbert (người đầu tiên khám phá hang động này) tham gia đào tạo đánh giá: "Họ không chỉ rất khỏe mà còn là những người đàn ông cần cù, chịu khó. Họ làm việc nhiệt tình và rất trung thực, đặc biệt nghiêm túc trong mọi việc suốt chuyến đi. Những kinh nghiệm đi rừng của họ rất quý giá".
Những porter Sơn Đoòng làm tất cả mọi việc từ gùi hàng cho đến nấu ăn, dựng lều, đảm bảo an toàn phục vụ du khách. Ảnh: Ryan Deboodt.
Mỗi porter sơn Đoòng sẽ tham gia phục vụ từ 2-3 tour một tháng. Họ gùi ít nhất 30 kg hàng hóa và trang thiết bị, để vượt hành trình dài 23 km đường rừng từ Km 35 đường Hồ Chí Minh Tây vào, xuyên qua hang Én, rồi đi xuyên Sơn Đoòng.
Công việc vất vả, nhưng thù lao porter nhận được cũng không quá cao. Họ được trả ít nhất mỗi ngày 500.000 đồng tiền công, cùng 50.000 đồng tiền ăn. Thu nhập hàng tháng của các porter ít nhất là 6 triệu đồng, được lấy từ tiền mua vé của du khách đến Sơn Đoòng.
Anh Phạm Luân (40 tuổi) cho biết, anh bỏ nghề đi rừng để làm porter vì công việc này đem lại khoản thu nhập ổn định hơn. Công việc vất vả nhưng đổi lại, anh có thể gặp được nhiều người, học hỏi nhiều điều, và đặc biệt là có thể tham gia bảo vệ rừng một cách trực tiếp, bằng việc tuyên truyền cho du khách về sự quý giá của những cánh rừng nguyên sinh, các loài động vật quý hiếm trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Anh Lê Văn Hòa lại cho rằng nghề này đỡ vất vả hơn đi rừng, có thu nhập ổn định. "Tôi nghỉ học sớm, nhưng làm nghề này lại được học tiếng Anh, có thể nói chuyện với người nước ngoài thường xuyên. Khách nước ngoài đến Sơn Đoòng với những thiết bị điện tử mà tôi chưa bao giờ thấy. Xem họ sử dụng rất thú vị", thanh niên 19 tuổi nói.
Porter Phạm Luân trở về sau chuyến đi cùng đoàn làm phim của đài ABC (Mỹ) hôm 13/5. Ảnh: Văn Được.
Đa số người làm nghề porter đều cho rằng công việc này không hề buồn chán. "Mọi người muốn đến Sơn Đoòng đều phải tốn số tiền bằng chúng tôi làm hơn một năm. Còn chúng tôi, hàng tháng đều có đôi ba lần được nhìn ngắm những cảnh đẹp có một không hai mà chẳng mất đồng nào", anh Luân tâm sự.
Theo Zing