Mổ xẻ xu hướng ăn kiêng đang hot hiện nay: clean - eating
Loading...
Mặt tốt và xấu của việc ăn kiêng bằng thực phẩm "sạch" là gì nhỉ?
Cụm từ "clean - eating" – "ăn sạch" hay ăn lành mạnh xuất hiện từ những năm 1960 với ý nghĩa "Hãy ăn thức ăn dưới dạng nguyên thủy nhất của nó". Ngoài lợi ích sức khỏe, chế độ ăn này còn được biết đến như một phương thức ăn kiêng dễ dàng, hiệu quả. Nếu hay vào các trang web của nước ngoài thì bạn sẽ thấy "clean - eating" đang là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Bên cạnh những lợi ích nổi bật, clean - eating cũng có những hạn chế mà bạn cần lưu ý khi thực hiện để tránh gây hại sức khỏe nhé!
Bản chất của clean - eating
Ăn lành mạnh không phải là một chế độ ăn kiêng khắt khe, không nhất thiết bắt mình phải lên kế hoạch trước, phải đếm calo, phải căng thẳng vì hôm nay trót ăn một món ngoài kế hoạch.
Ăn lành mạnh hướng đến việc chỉ "dung nạp" những dinh dưỡng cần thiết thông qua các thực phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, không bị dư thừa lượng đường, muối và béo. Chế độ ăn kiêng này hướng đến việc hạn chế đồ đóng hộp và nấu nướng quá kĩ, vì trong quá trình chế biến, thức ăn sẽ bị biến đổi, bị thêm dầu mỡ,... khiến cơ thể vô tình nạp vào một lượng năng lượng không cần thiết. Nếu cắt giảm các loại thức ăn này, các cơ quan trong cơ thể cũng tự động được thanh lọc và bớt đi một số cân nặng đáng kể.
Cần chuẩn bị gì khi thực hiện phương pháp clean - eating?
Bạn nên học cách đọc thành phần dinh dưỡng được trình bày trên nhãn mác của sản phẩm mà mình sẽ chọn mua. Hãy dành một chút thời gian nhìn vào thành phần dinh dưỡng trong các loại thực phẩm bạn mua để có được những sản phẩm tốt cho sức khỏe nhất. Đừng bị các từ "free" (như free-gluten) hay "low" (trong low-sodium) làm bạn chủ quan, hãy trở nên thông thái bằng cách chọn thực phẩm "organic" (hữu cơ), và "natural" (tự nhiên) cho giỏ hàng của mình. Ngoài ra bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng những thực phẩm có hương liệu, chất tạo màu, chất tạo bọt (ví dụ như các loại nước có ga).
Nguyên tắc để giảm cân
Nên ăn những thức ăn như thực vật, ngũ cốc, cá,... giảm ăn đồ ăn nhiều chất béo, giảm tinh bột nhưng không cần phải kiêng hoàn toàn. Chú ý ăn nhiều rau và uống nhiều nước trong ngày. Mục đích của "ăn sạch" là thanh đạm hóa bữa ăn của bạn càng nhiều càng tốt.
Ví dụ về một bữa ăn kiêng clean – eating:
Sáng ăn 1 bát cơm nhỏ với thức ăn cho có sức cả ngày, 10h ăn nhẹ với súp cua, súp gà hoặc hoa quả các loại.
Không ăn trưa hẳn mà chia nhỏ các bữa.
Khoảng 3h chiều ăn salad hoặc cháo, bánh hấp, bún, miến.
Tối (muộn nhất là trước 7h30) ăn rau, salad, cháo hoặc bún, phở, miến. Hạn chế tối đa ăn cơm vào buổi tối.
Mặt trái của phương pháp ăn sạch
Tuy phương pháp "ăn sạch" đã đem lại kết quả mỹ mãn cho rất nhiều phụ nữ, song, bạn không nên quá nghiêm khắc trong vấn đề giảm cân của mình để rồi mất đi niềm vui được ăn uống ngon lành. Vì khi đói bụng, cơ thể chúng ta biết cần phải nạp thêm những gì và hướng chúng ta đến những chất phù hợp để cơ thể vận hành. Việc quá khắt khe trong chế độ ăn uống có thể hạn chế bạn trong việc tận hưởng cuộc sống đấy!
Một mặt trái nữa của việc "ăn sạch" có ý thức có thể dẫn đến hệ quả tâm lý, khiến người ăn kiêng xa lánh xã hội. Họ sẽ chỉ chọn mua những thức ăn có thành phần hữu cơ và tự nhiên, tránh đến tất cả các nhà hàng chỉ vì lo sợ món ăn sẽ không được sạch sẽ và an toàn, cũng có thể họ sẽ từ chối tất cả cuộc vui từ bạn bè và gia đình vì bản thân chỉ có thể ăn được một số món ăn cụ thể.
Vì vậy, khi thực hiện phương pháp giảm cân này, điều quan trọng nhất không phải là ở chế độ khắc nghiệt mà chúng ta sẽ lập ra trong tuần, mà là ở ý thức ăn uống sao cho lành mạnh và phù hợp với bản thân nhất. Có như vậy thì khi thực hiện cách ăn “sạch”, bạn sẽ vẫn vô tư tận hưởng thức ăn mà không phải đối mặt với nguy cơ tăng cân.
Theo Jinilyn / Trí Thức Trẻ