Mẹo trị mồ hôi trộm cho bé thoải mái ngày nóng
Loading...
Thiếu vitamin D là một trong những nguyên nhân gây ra mồ hôi trộm ở trẻ.
Mồ hôi trộm là biểu hiện sức khỏe rất phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ. Đó là tình trạng trẻ bị ra mồ hôi rất nhiều trong trạng thái hoàn toàn tĩnh (bé không hoạt động gì trong môi trường thời tiết bên ngoài hoàn toàn mát mẻ), trẻ thường bị đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm nên dân gian quen gọi là “đổ mồ hôi trộm”. Nếu chứng mồ hôi trộm xuất hiện thường xuyên và liên tục sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và giấc ngủ của trẻ, cũng có thể đó là dấu hiệu bệnh lí đáng lo ngại, phụ huynh cần chú ý để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Làm gì khi thấy trẻ bị đổ mồ hôi trộm?
Bổ sung vitamin D cho trẻ
Thiếu vitamin D cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi trộm.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ ra mồ hôi nhiều được các bác sĩ cho biết đó là thiếu vitamin D. Các bé sinh sớm, thiếu cân, bị rối loạn tiêu hóa kéo dài cũng thường thiếu vitamin D. Thiếu vitamin D, trẻ hay ra mồ hôi trộm, bứt rứt, ngủ không yên, hay giật mình. Giai đoạn này, hệ xương của trẻ phát triển mạnh, chính vì vậy cần bổ sung canxi cho trẻ. Các bác sĩ thường cho trẻ uống thêm vitamin D và khuyên các bà mẹ nên thường xuyên phơi nắng con để bổ sung vitamin D cho bé.
Không đưa bé đi tắm ngay
Khi bé đang tiết mồ hôi , đừng vội đưa bé đi tắm mà nên dùng khăn mềm lau mồ hôi, nhất là với những bé thường đổ mồ hôi trộm vùng đầu, lưng. Bởi điều đó không chỉ giúp trẻ không bị cảm lạnh mà còn se nhỏ lỗ chân lông đẩy lùi hiện tượng mồ hôi bị hấp thụ ngược lại trong cơ thể.
Không để trẻ bị mất nước
Bổ sung thật nhiều nước cho trẻ để bù lại số nước mà trẻ bị mất qua đường mồ hôi. Tránh để trẻ nghịch nhiều gần giờ đi ngủ, sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể trẻ và dẫn đến toát mồ hôi trộm ban đêm.
Một số bài thuốc đông y hạn chế mồ hôi trộm ở trẻ:
- Cháo trai: Trai rửa sạch, cho vào nồi luộc chín, đun sôi cho trai há miệng. Để nguội, gỡ thịt trai, thái nhỏ, trộn với một nắm lá dâu non đã rửa sạch, thái nhỏ. Nấu cho nhừ thịt trai cùng 50g gạo nếp, 50g gạo tẻ. Cháo sôi bỏ thêm nắm lá dâu non thái nhỏ, đợi cháo sôi lại rồi thêm mắm muối cho vừa miệng. Sau đó cho trẻ ăn làm hai lần trong ngày, dùng 3-5 ngày.
Trai, sò, hến,... là bài thuốc dân gian chữa mồ hôi trộm ở trẻ rất tốt.
- Cháo sò, hến: Sò biển 100g, hến 100g, gạo 50g, rễ cây hẹ 3g, gia vị vừa đủ. Sò, hến đem rửa sạch, đun sôi rồi bỏ vỏ, thái nhỏ ruột, ướp bột gia vị. Rễ cây hẹ rửa sạch giã nhỏ lọc lấy 200ml nước. Gạo xay nhỏ mịn cho vào nước rễ cây hẹ quấy đều, đun nhỏ lửa. Khi cháo chín cho sò biển và hến vào đảo đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày một lần lúc đói. Ăn liền trong 3 - 5 ngày
- Cháo cá quả: Cá quả 200g, gạo 50g, ngũ vị 2g, gia vị vừa đủ. Cá quả làm sạch, hấp cách thủy, gỡ lấy thịt nạc, ướp bột gia vị. Xương cá giã nhỏ lọc lấy 200ml nước ngọt. Gạo, ngũ vị xay thành bột mịn, cho vào nước lọc xương cá quấy đều đun trên lửa nhỏ, khi cháo chín, cho gia vị, thịt cá vào quấy đều, cháo sôi lại là được. Ăn ngày một lần lúc đói, cần ăn liền 3 - 5 ngày.
- Canh rau ngót: 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng lại có tác dụng chữa bệnh, mà nó còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn. Đặc biệt, canh rau ngót nấu với thịt lợn nạc hoặc giò sống… không chỉ tốt cho trẻ em mà còn rất tốt cho cả người lớn.
- Cháo nếp cẩm:Trẻ đang ăn dặm, mẹ có thể xay bột nếp cẩm hòa với cháo hoặc bột ăn dặm của bé. Mỗi bữa bột của bé, cho vào 1 nửa thìa cafe bột gạo nếp cẩm còn nguyên cám. Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho một nắm gạo nếp cẩm vào món cháo thông thường hoặc nấu thành xôi cho bé ăn. Dùng trong vài tuần.
Một số lưu ý khác
- Phòng ngủ của bé tuyệt đối không được để nóng bức, bí hơi, không có chỗ thôn gió, nhất là trong thời tiết mùa hè. Tạo cho bé một không gian chơi đùa rộng rãi, thông thoáng.
- Bé phải được mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Không nên quấn bé quá kĩ trong chăn, tã lót. Cha mẹ thường có thói quen ủ trẻ quá kỹ vì sợ trẻ bị cảm lạnh nên thường đắp chăn hoặc quấn mền quá nhiều cho trẻ tạo ra sự nóng bức ngột ngạt, trẻ dễ cảm thấy khó chịu và thường toát mồ hôi. Mồ hôi trộm trong tình huống này không phải là chứng bệnh chỉ cần cải thiện “sự quá lo lắng” của cha mẹ là trẻ hết đổ mồ hôi.
Khi nào mồ hôi trộm là triệu chứng đáng lo?
Bệnh tim
Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều khi chỉ làm những hoạt động bình thường (ví dụ như ăn), nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh tim, đặc biệt nếu da trẻ tím tái khi khóc hoặc khi được cho ăn và trẻ không tăng cân. Trẻ nhỏ mắc bệnh tim thường đổ mồ hôi thường xuyên vì tim phải làm việc nhiều để bơm máu một cách hiệu quả.
Chứng đổ mồ hôi quá nhiều (Hyperhidrosis)
Nếu trẻ bị đồ mồ hôi quá nhiều kể cả khi phòng đang rất mát mẻ, có thể trẻ đã bị chứng hyperhidrosis, tức là đổ mồ hôi nhiều vượt quá mức cơ thể cần để duy trì nhiệt độ bình thường. Những người có bàn tay và bàn chân luôn nhớp nháp thường mắc chứng này. Khi trẻ lớn lên, có thể sử dụng phương pháp dùng thuốc ngăn mồ hôi. Người lớn có thể thực hiện phẫu thuật để loại bỏ tuyến mồ hôi.
Một số vấn đề khác
Đổ mồ hôi quá nhiều có thể do rối loạn ở hệ thống thần kinh, gặp vấn đề về thở, tuyến giáp hoạt động quá nhiều hay rối loạn gen. Mặc dù những vấn đề nay không hay xảy ra lắm, bạn vẫn nên cho con đi khám bác sĩ nếu thấy bé có triệu chứng toát mồ hôi khác thường.
(Khampha)/Theo Khỏe & Đẹp