Làng chuối tiến vua dịp Tết "đóng cửa" vì cháy hàng
Loading...
Những lúc Tết đến, chuối tiến vua lại cháy hàng bởi thương lái đã đặt tiền từ lúc chuối mới ra búp hay quả non.
Mua chuối khi còn non
Mỗi độ Tết đến xuân về, các thương lái từ nhiều tỉnh khác nhau lại tìm đến làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (Hà Nam) để thu mua chuối Ngự để đem bán vào dịp Tết.
Vào dịp giáp Tết, ngày nào cũng có các thương lái vào làng, đến từng nhà để hỏi mua chuối nhưng không phải ai cũng mua được. Vì những tháng trước Tết không phải là giai đoạn chuối ngự ra hoa trổ buồng nên chuối ngự trở thành thứ “hàng hiếm”.
Mỗi một buồng chuối thường có 5 – 7 nải.
Khác với loại chuối thông thường, chuối Ngự nhỏ hơn. Quả chuối Ngự chỉ to bằng hai ngón tay chụm lại. Khi chín chuối có màu vàng cam và cuống luôn có màu xanh. Qủa chuối Ngự vỏ rất mỏng, ruột chuối có màu vàng đặc trưng như long bào của vua chúa. Khi bóc một quả chuối ngự ra thường có mùi thơm và lúc ăn có vị ngọt thanh đạm.
Từ xưa, chuối Ngự làng Đại Hoàng đã được biết đến là loại chuối tiến vua nên giá của nó không hề rẻ chút nào. Một nải chuối Ngự chín mua tận nơi cũng có giá từ 100 trăm đến 200 nghìn. Mỗi một buồng chuối có từ 5 đến 7 nải. Tùy thuộc vào kiểu dáng và độ đồng đều giữa các quả ở nải mà có giá khác nhau.
Theo người dân ở đây thì năm nào có nhiều trận bão thì lúc giáp Tết năm ấy chuối tiến vua sẽ có giá rất cao.
Do những tháng trước Tết không phải là thời điểm chuối Ngự ra quả nên trong vườn chuối của mỗi nhà cũng chỉ có vài ba buồng. Để có chuối ngự bán vào dịp Tết, các thương lái phải tìm về đây đặt tiền chủ vườn lúc chuối mới ra búp hay lúc quả đang non.
Vào dịp tết chuối tiến vua thường cháy hàng.
Hiện tại, các buồng chuối Ngự ở làng Đại Hoàng đã được thương lái ở các nơi đặt tiền mua hết. Trong làng bây giờ không còn chuối để bán, các buồng chuối trên cây chỉ chờ chủ hàng đến chặt để đưa ra thị trường Tết.
Bà Trần Thị Tuyết một người trồng chuối làng Đại Hoàng cho biết: “Những tháng mùa đông trước Tết không phải là mùa ra quả của chuối Ngự nên rất ít cây cho quả, do đó nó rất hiếm vào dịp Tết. Mùa này cũng nhiều sương muối nên mẫu mã cũng không bằng vụ chính. Những lúc cận Tết mà có một buồng chuối Ngự đẹp thì có giá tiền triệu chứ không ít".
Từng bị chặt bỏ
Chuối tiến vua làng Đại Hoàng được gắn với cái tích một lần vua Trần cùng các văn võ bá quan xuôi thuyền từ Thăng Long về phủ Thiên Trường yết kiến Thái Thượng Hoàng. Một lần đến ngã ba Tuần Vường, đoàn thuyền dừng lại. Dân các làng đổ ra mừng đón, mọi người ai cũng mang của ngon, vật lạ để dâng tiến vua.
Làng Đại Hoàng khi ấy có một cặp vợ chồng nông dân vì nghèo không có vật gì quý giá dâng tiến nên rất băn khoăn. Khi ấy trong vườn nhà còn một buồng chuối nhỏ đã chín, toả hương thơm ngát bèn chặt để dâng lên vua.
Nải chuối đẹp sẽ có giá 100 đến 200 ngàn đồng.
Trông thấy buồng chuối nhỏ đẹp mắt, quả căng tròn, vàng óng lạ thường nên cho vào yết kiến. Nhà vua bèn nếm thử, thấy vị ngọt, hương thơm, càng ăn càng thấy ngon. Vua ban thưởng và truyền cho dân làng Đại Hoàng nhân rộng loại chuối này để cho thần dân khắp nơi cùng thưởng thức. Từ đó loại chuối này ở Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự hay còn gọi là chuối tiến vua.
Chuối Ngự thân cao và rất yếu dễ gãy đổ khi có những trận mưa bão, người dân thường xuyên phải cắt bớt các tàu lá. Mỗi khi cây ra buồng người dân thường phải dùng cọc để chống tránh cho cây bị gãy đổ.
Thế nhưng, đã có lúc loại chuối này từng bị chặt bỏ để thay bằng các loại cây trồng khác. Đó là vào thời ký năm 1980, khi xã vận động người dân chặt chuối để trồng cây lương thực. Khi ấy, cây chuối Ngự trong làng đã bị sụt giảm đáng kể, có lúc gần như biến mất.
Chuối Ngự thường có quả nhỏ hơn so với các loại chuối thông thường.
Cho đến giờ loại chuối tiến vua này đã mang lại giá trị kinh tế cao. Trong vườn nhà ai cũng có vài chục cây chuối Ngự, mỗi lần chuối ra quả người dân luôn che buồng chuối rất cẩn thận vì sợ sương muối làm hỏng quả.
Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ đã quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tạo điệu kiện thuận lợi cho việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ giống chuối đặc sản quý hiếm này.
Theo Khám Phá