Bí quyết lặt lá mai để hoa mai nở đúng vào ngày tết
Loading...
( Womantoday) - Cả năm vun gốc bón phân tưới nước cho cây tươi tốt, chỉ mong sao cây mai nở hao xum xuê đúng Tết, cho cả năm gia đình sung túc sum vầy. Nhà nào cũng thắc mắc lặt lá sao cho mai nở đúng Tết, cho Tết thêm sum vầy.
Lặt lá mai vào lúc nào, lặt làm sao? Sau đây là những kinh nghiệm nhà nông mà mình đọc và chia sẻ cho các bạn, hy vọng các bạn canh và tuốt lá đúng lúc để Tết năm nay chậu mai nhà nào cũng rực rỡ nhé!
Từ ngày mai bị tuốt hết lá, trên các cành mai đã chớm xuất hiện những nụ hoa nhỏ bằng nửa hạt gạo. Những nụ hoa này thường từ các nách lá. Mỗi nụ như vậy lớn dần lên thành một cái hoa to, thường gọi là hoa cái với lớp vỏ lụa bao kín bên ngoài. Trong hoa cái có nhiều nụ nhỏ.
Tính từ ngày vỏ lụa của hoa mai xuất hiện cho đến lúc nở là 7 ngày. Như vậy, nếu thời tiết trong những ngày cuối năm ấm áp, mà vỏ lụa của hoa bung ra đúng ngày 23 tháng Chạp, thì có hy vọng đúng đêm Giao thừa hoa mai đã bắt đầu nở lác đác.
Để hoa nở đúng dịp Tết, người trồng mai phải tính toán kỹ việc lặt lá mai, về thời tiết, kích cỡ nụ hoa.
Tính toán về thời tiết
Từ ngày 10 tháng Chạp ta nên chú ý những điều sau:
- Nếu biết trước nửa tháng cuối năm nắng sẽ tốt, khi trời ấm áp thì chắc chắn hoa mai sẽ nở sớm. Người trồng mai nên lặt lá muộn.
- Nếu biết trước nửa tháng cuối năm sẽ có mưa to hay khí trời chuyển lạnh thì năm đó mai sẽ nở hoa trễ. Người trồng hoa mai cần lặt lá sớm.
Cây hoa mai ra hoa đẹp chưng tết
Quan sát nụ hoa trên cây
Cần quan sát nụ hoa xuất hiện trên cây trước khi lặt lá ra sao để định ngày lặt lá cho đúng:
- Nếu nụ hoa còn nhỏ, với mai vàng 5 cánh, phải lặt lá vào ngày 13 tháng Chạp.
- Nếu nụ hoa chưa lớn hẳn, với mai vàng 5 cánh, phải lặt lá vào ngày rằm hoặc sang ngày 16 tháng Chạp.
- Nếu nụ hoa đã lớn, độ 3-4 ngày nữa sẽ bung vỏ lụa nên lùi ngày lặt lá đến 18, 19 hoặc 20 tháng Chạp.
Như vậy, từ ngày 10 tháng Chạp chúng ta nên quan sát nụ hoa từng cây mai lớn nhỏ ra sao rồi kết hợp với thời tiết để tính toán ngày nào tiến hành lặt lá mai. Việc tính toán sao cho đúng đến ngày “Đưa ông Táo về trời” (ngày 23 tháng Chạp), hoa cái bung vỏ lụa là được.
Với loại hoa mai nhiều cánh, sau khi tính toán kỹ theo cách trên, ta nên lặt lá trước thời hạn hoa 5 cánh khoảng 1 tuần. Cũng nên lưu ý là sau ngày lặt lá mai, ta nên theo dõi sự biến động của thời tiết bên ngoài ra sao: Nếu thấy khả năng mai nở trễ thì chúng ta nên thúc mai bằng cách hòa loãng phân NPK (10 lít nước cho 1 muỗng canh phân) tưới cho cây để thúc cây nở hoa sớm. Ngược lại, trời đang nắng hạn mà đổ mưa rào thì hoa mai sẽ nở sớm, thì hạn chế số lần tưới nước trong ngày, chỉ tưới vào cữ trưa với lượng vừa phải. Đồng thời, gặp nắng trở lại ta nên đem mai ra phơi nắng để hãm chúng không nở sớm.
Nhà mình năm nào cũng canh ngày rằm tháng chạp lặt lá mai là mai nở đúng ngày Tết. Thấy mai bung nụ xanh nhanh quá thì mình tưới nước lạnh, hoặc là để nước đá vô chậu mai để “hãm” lại, nếu mai chậm bung nụ quá thì nhà mình lại tưới nước nóng để cho hoa mau nở, đúng như kinh nghiệm nhà nông mà mình học hỏi được.
Các bạn thử đi nhé, chúc cho nhà nào cũng có chậu mai rực rỡ để pose ảnh Tết!