Hường Chuối: "Quan trọng là biết 'ghen' một cách hiệu quả!"
Loading...
Mới đây, câu chuyện 'đi đánh ghen' của bà mẹ 9X Nguyễn Thị Hường - Hường Chuối đã một lần nữa khiến cộng đồng mạng tỏ ra vô cùng thích thú.
Chia sẻ về vấn đề này, chị hồn nhiên khẳng định "đôi khi "đánh ghen" là cần thiết, nhưng cũng chỉ đánh những kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại".
Bên cạnh đó chị cũng tiết lộ một số kinh nghiệm 'hay ho' khác cho những người trong cuộc, hay đơn giản là "tư vấn" các chị em cần biết ghen như thế nào cho "hiệu quả và văn hóa".
Khi nào thì nên ghen?
Đầu tiên xin hỏi chị, trong suốt quá trình yêu, rồi làm vợ, chị đã từng ghen? Tần suất, mức độ?
Đã là phụ nữ thì ai chẳng ghen, chỉ khác nhau ở mức độ ghen như thế nào mà thôi. Lồng lộn, tức tối, muốn đâm muốn đánh hay là nhẹ nhàng, tinh tế, âm thầm nhưng ngầm ra kế sách. Mình thì ở mức độ bình thường, tần suất thì thi thoảng thôi, nhưng chủ yếu ghen theo kiểu: tức tối trong lòng nhưng ngoài mặt thì lạnh tanh. Lâu lâu mỉa mai để cho chồng biết rằng:” Tôi là tôi biết hết đấy, chẳng qua tôi không muốn nói thôi”.
Câu chuyện đánh ghen của bà mẹ 9X siêu hot facebook đã khiến cộng đồng mạng ngày càng trở nên thích thú hơn.
Theo quan điểm hoặc kinh nghiệm của chị, khi nào thì mới nên ghen, hoặc thể hiện việc ghen một cách rõ ràng? Vì trên thực tế, bi kịch của rất nhiều chị em là ghen một cách vô cớ, hoặc đôi khi do chính trí tưởng tượng quá đà của đàn bà?
Ghen thì phải rõ ràng chứ nhiều người hay ghen quá, bạn bè cũng quy chụp là cặp bồ này nọ thì là sai. Phải tìm hiểu rõ ràng, chứng cứ rõ ràng rồi muốn làm gì thì làm, "lành làm gáo, vỡ làm muôi, lôi thôi làm thìa" (cười). Chứ không phải là ghen 1 cách mù quáng vì yêu quá nhiều, như vậy là đang tự giết chết tình yêu giữa 2 người, đồng thời cũng làm tổn thương người khác. Phải nhận định rõ ràng rồi tìm bằng chứng thì mới có cớ để nói và làm um lên, chứ không phải là theo trí tưởng tượng của mình...
Với chị thì ghen phải rõ ràng chứ nhiều người hay ghen quá, bạn bè cũng quy chụp là cặp bồ này nọ thì là sai.
Ghen có nhiều cấp độ: ghen âm thầm, gậm nhấm nỗi tức giận với chính mình; ghen (trút nỗi tức giận) với người yêu (chồng), ghen với kẻ thứ 3. Vậy theo chị; người phụ nữ thông minh nên kiểm soát mình ở cấp độ nào, hoặc có những kịch bản cụ thể nào ứng dụng với từng cấp độ để chị em ‘tham khảo’ không?
Nếu ghen âm thầm, gặm nhấm nỗi tức giận với chính mình thì đó cũng không phải là cái tốt . Vì khi "cục tức" dồn lại thì lâu ngày mà không có lối thoát thì kiểu gì cũng có ngày bùng nổ, cách này chính là cách bạn đang gom mìn và bom vào cùng 1 chỗ và chỉ chực chờ mồi lửa châm là sẽ bùng cháy, nổ tan tành bất cứ lúc nào. Mình đã như này nên mình hiểu cảm giác đó. ….
Chỉ đánh những kẻ chạy đi... chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Chỉ đánh kẻ thứ 3 khi mà biết rõ ràng mọi chuyện và người đó không có thái độ hối lỗi mà còn thách thức mình, ….thì sẽ đánh.
Đánh ghen?
Từ ghen đến đánh ghen (đặc biệt với kẻ thứ 3) là cả 1 khoảng cách dài; và hầu hết mọi phụ nữ cùng cảnh đều ghen, nhưng không phải ai cũng muốn (hoặc có thể đánh ghen). Quan điểm của chị thế nào về vấn đề này? Nên, hay không nên, tốt hay không tốt?
Thực ra ghen thì ai cũng có máu ghen. Các cụ đã có câu :” Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng “, nên đàn bà chúng ta hay ghen cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng chuyện đánh ghen thì không phải ai cũng có thể hoặc nên làm. Bản thân mình thì quan điểm rõ ràng: “Chỉ đánh những kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại”. Chỉ "đánh" kẻ thứ 3 khi mà biết rõ ràng mọi chuyện và người đó không có thái độ hối lỗi mà còn thách thức. Và khi đó sẽ "đánh" vì danh dự của 1 người vợ chứ không phải vì tình yêu nữa. Đương nhiên "đánh" ở đây cũng cần cân nhắc và nên hiểu theo "nghĩa bóng""; chủ yếu ở khía cạnh "cảnh cáo"; chứ cũng đừng nóng quá mất khôn mà làm quá để ảnh hưởng đến danh dự và thân thể người khác, cuối cùng mình là người thiệt vì vi phạm pháp luật.
Thường quan niệm xã hội thường không ủng hộ việc "đánh ghen" với kẻ thứ 3, vì cho rằng đó là hành động ‘không giải quyết vấn đề gì’; ‘chỉ làm mọi việc rối hơn’. Chị có đồng tình với điều này, hoặc theo chị có hoàn cảnh nào, hoặc chị đã từng chứng kiến câu chuyện thực nào mà ‘đánh ghen’ lại ‘giải quyết được vấn đề’ không?
Cũng không hẳn. Quan điểm của mình là tùy người, tùy thái độ. Có những kẻ rất ương ngạnh và ngang bướng thì cần phải có những hình thức cảnh cáo, làm rõ ràng một cách mạnh tay, cho 1 bài học. Thế nhưng có những người …sau khi biết lỗi lầm của mình thì họ sẵn sàng rút lui , và những người như vậy thì không cần phải căng thẳng làm gì.
Chị đã từng ‘đánh ghen’ khi nào chưa? Và trong tương lai, ví dụ nếu là người trong cuộc, chị có nghĩ có khi nào mình sẽ dùng đến cách xử lý này?
Mình chưa bao giờ đánh ghen vì thấp bé nhẹ cân, chiều cao có mét rưỡi thì đánh nổi ai. Nhưng trong tương lai, nếu gặp phải trường hợp như này thì thường mình sẽ "không thèm chấp", níu kéo, đôi co qua lại làm gì cho mệt người. Quan trọng nhất là người chồng, vì người chồng khôn ngoan là người biết phân biệt đâu là phở, đâu là cơm, sẽ tự biết làm gì chứ không phải để vợ mình đi đánh ghen.
Ghen có văn hóa – ghen hiệu quả?
Chị em thường rỉ tai nhau, có nhiều người ‘cao tay’, có các bí kíp ‘ghen’ rất có học, rất văn hóa. Theo chị, ghen có văn hóa nên được hiểu như thế nào; nó có giới hạn cụ thể nào không và liệu có phải ai cũng có thể ứng xử theo cách đó?
Ghen có ‘văn hóa’, theo mình, nó sẽ không có thước đo, giới hạn hoặc phom mẫu cụ thể nào, vì nó phụ thuộc vào ‘văn hóa’, chiều sâu nội tâm, bản chất mỗi con người; mà cái này thì là riêng, không ai giống ai. Chỉ có điều, theo mình, nó vẫn sẽ có một số mẫu số chung để được đánh giá theo cách như vậy, ví dụ từng hoàn cảnh là khác nhau nhưng người khôn ngoan sẽ lựa chọn đúng thời điểm để ghen, ‘bối cảnh ghen’ hoặc người để ghen. Cụ thể 1 tí như này, ví dụ chưa điều tra ngọn ngành, chưa đủ chứng cứ mà đã sưng sỉa xa xả vào mặt ông chồng, có khi lão ta vừa không sợ, vừa có cớ ‘phản pháo’; hoặc ‘đối tượng – kẻ thứ 3’ là dân chợ búa, xã hội phức tạp thì đừng có dại mà đối đầu trực diện, có khi mình là người ngay mà lại ‘chịu đòn’ trước thì sao?
Không phải ai khi ghen, thậm chí đánh ghen cũng có thể ‘nắn’ sự việc theo ý muốn của mình; hoặc có nhiều chị em còn chọn các cách ‘ghen’ ‘độc’ nhằm làm đối phương nao núng, như kiểu ông ăn chả - bà ăn nem.... Chị nghĩ thế nào về phương án này, hoặc ở 1 khía cạnh khác, chị nghĩ ghen liệu có mang lại hiệu quả tích cực hoặc giải quyết được vấn đề ở các mối quan hệ?
Mình thì không bao giờ khuyên nên chọn phương án ‘ông ăn chả, bà ăn nem’ nếu chỉ vì ghen. Chồng có người khác, nếu khoảng cách ngày càng xa, bản thân cô đơn tự dưng tìm thấy người tâm đầu, phù hợp, không bảo mà tình cảm tự nảy nở thì còn có thể hiểu và thông cảm; chứ những người vì thấy chồng như vậy mà cố gắng chủ động kiếm ngay 1 ông khác theo kiểu ‘trả thù’, ‘cho bõ tức’; thì vô hình chung lại mang cái mệt vào thân; vừa không giải quyết vấn đề gì mà còn khiến mình trở thành càng lố bịch chính trong cả mắt người chồng, người tình và cả xã hội nữa.
Cuối cùng, nếu để có 1 lời khuyên cho những chị em không may đang ở hoàn cảnh ‘ghen tuông’; chị sẽ nói gì với họ?
Cuộc đời là một chuỗi những buồn vui, không có hạnh phúc toàn vẹn, cũng chẳng có bất hạnh toàn phần. Vì thế, vui cũng không nên quá đà, buồn cũng đừng quá tuyệt vọng, tự lượng sức mình để đối đầu với bất cứ sự cố nào trong đời, ấy là người đàn bà thông minh. Vì suy cho cùng, giận một ai khác, không khác gì tự mình uống thuốc độc mà lại mong kẻ kia chết. Quan trọng nhất vẫn phải là mình, mình hạnh phúc sẽ nhìn mọi thứ sáng láng, tâm có an thì cái gì cũng có thể vượt qua.
Cám ơn chị về buổi trò chuyện thú vị này!
Theo Depplus.vn