Hoy là gì ? tác giả của "Hoy đi nha" là ai
Loading...
Nhờ sức lan toả của mạng xã hội, hai nhân vật được sáng tạo bởi thiết kế đồ hoạ Sài thành Kỳ Nam, bỗng dưng được bạn trẻ biết đến, đi vào ảnh chế ảnh rầm rộ những ngày gần đây.
Ngày 5/10 trên diễn đàn dành cho giới trẻ xuất hiện loạt ảnh về hai nhân vật có tạo hình đáng yêu, với gương mặt "siêu đơ", dân mạng gọi chúng bằng cái tên "Hoy". Điều khiến "Hoy" trở nên đặc biệt chính là mẫu hội thoại hài hước của hai nhân vật, một đỏ, một đen này.
Sau khi xuất hiện trên mạng, rất nhiều ảnh chế của "Hoy" đã ra đời, "Hoy đi nha" - câu cửa miệng của một trong hai nhân vật trong mẩu đối thoại, đang trở thành trào lưu gây bão mạng, được giới trẻ hưởng ứng.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh nguồn gốc của hai nhân vật lạ, bỗng nhiên được chú ý này. Theo tìm hiểu, "Hoy" thật chất là "Cô bitch quàng khăn đỏ" và "Sói mặt đơ" - hai nhân vật nằm trong bộ truyện cùng tên do thiết kế đồ hoạ Tạ Quốc Kỳ Nam sáng tạo nên.
Nội dung gốc của Cô bitch quàng khăn đỏ và sói mặt đơ được Kỳ Nam chuyển thể từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng Cô bé quàng khăn đỏ, nhưng với những sáng tạo, liên tưởng đặc biệt hơn. Cô bé ngây thơ mang bánh cho bà trong truyện được khoác cho lớp tính cách mới đanh đá, dữ dằn, trong khi sói gian ác lại hoá thành cậu bạn thật tồ, mặt đơ. Tâm điểm của bộ truyện ngắn xoay quanh cuộc đối thoại siêu ngộ nghĩnh giữa hai nhân vật này.
Tác giả bộ truyện cho biết: "Tôi vẽ ra 2 "Cô bitch quàng khăn đỏ" và "Sói mặt đơ" cách đây đã lâu, gần đây đăng lại trên Facebook thì được các bạn share và like (thích) và chia sẻ rất nhiệt tình. Hình ảnh được sao chép lại trên mạng, nhân vật của tôi đã bị số đông đổi tên thành "Hoy", có lẽ là do câu nói "Hoy đi nha" kết mỗi chuyện ngắn.
Khi thấy tác phẩm của mình xuất hiện trên các trang mạng khác với nhiều biến thể, tôi hơi bất ngờ, không hẳn quá ngạc nhiên, vì bây giờ, cái gì đúng tâm lý số đông thì rất dễ lan toả".
Tuy nhiên, Kỳ Nam cũng thẳng thắn nêu quan điểm về việc sử dụng và hình ảnh thuộc quyền sáng tạo một cách trái phép của số bạn trẻ, trang mạng.
Tôi hi vọng cư dân mạng sẽ có văn hoá chia sẻ (share) tốt hơn, bằng cách để nguồn ảnh. Đây cũng là nỗi lòng chung của những người làm sáng tạo, hoạ sĩ, thiết kế. Nói thật dù không cảm thấy quá bức xúc nhưng cũng khá đau lòng trong những lần đầu tôi bắt gặp vài trang đăng lại gần như toàn bộ tác phẩm của mình mà không hỏi trước, không dẫn nguồn, thậm chí lại xáo trang, khiến nội dung truyện lộn xộn.
Còn sau này, khi các nhân vật thành đề tài ảnh chế của giới trẻ và các trang mạng khác thì tôi thấy cũng bình thường. Phần lớn những thứ mình xem hằng ngày hoặc gọi là "vô danh" đều sản phẩm của một ai đó".