-->

Header Ads

QC1

Khổ sở vì mẹ chồng thích so sánh

Loading...
Chuyện bị mẹ chồng đem ra so sánh với những thước đo vô hình khiến không ít nàng dâu cảm thấy mệt mỏi và xấu hổ. Hơn cả, nó dẫn đến những mâu thuẫn bất hòa trong mối quan hệ gia đình vẫn được đánh giá khó dung hòa từ xưa đến nay.

Kể từ ngày theo anh Vượng về làm vợ, Dung không ngày nào cảm thấy thoải mái khi ở nhà chồng. Nhà chồng chị neo người, bố chồng mất sớm, anh là con trai duy nhất. Cưới xong, hai vợ chồng phải sống cùng với mẹ. Thế nhưng cuộc sống của ba người không bao giờ vui vẻ bởi luôn tồn tại cuộc chiến thầm lặng giữa Dung và mẹ chồng.


Theo như nhận định của mọi người xung quanh, ai nấy đều đánh giá mẹ chồng Dung có tính cách rất khó ưa, luôn kỹ tính trong mọi chuyện. Mọi người khuyên chị, đã xác định ở với bà cần phải chu toàn và hiểu ý để tránh những khúc mắc hàng ngày. Dù cố gắng làm một nàng dâu tốt nhưng với cái tính “thích soi” và hay đem con dâu ra so sánh với người này người khác thì trong bất cứ chuyện gì, Dung cũng đều bị mẹ chồng để ý.

Nếu như bà không hài lòng về tính cách hay việc làm của con dâu, bà có thể nói thẳng ra để chị biết sai mà sửa, đằng này bà hay nói “bóng gió”, đem so sánh chị với những nàng dâu bên nhà hàng xóm.

Dung tâm sự, nhà có ít người nên các bữa ăn chị thường nấu theo thực đơn 3 món đồ mặn, đồ xào và canh. Nói chung khẩu vị hợp với cả nhà, thi thoảng mẹ chồng không ưa hay nói khéo bằng cái giọng so sánh “cái Hương con dâu bà Chi đảm đang và nấu ăn ngon lắm, dù làm về muộn nhưng nó nấu ăn đủ món khiến cả nhà không chê vào đâu được”.

Đôi khi, mẹ chồng Dung soi mói đến cả chuyện tâm tình riêng tư của hai vợ chồng. Lần đó, biết mẹ chồng đi tập thể dục nên hai vợ chồng không khép kín cửa phòng. Lúc cả hai đang vui vẻ hào hứng cười đùa, mẹ chồng về mở cửa nhìn vào, chưa rõ chuyện gì bà thẳng thừng ra mặt nói: “phụ nữ phải nết na, thục nữ, cười phải có ý có tứ, nhắng nhít như thế còn ra thể thống gì”.

Dù chồng ra lời giải thích nhưng bà vẫn giữ quan điểm của mình, cho rằng con dâu thiếu tế nhị. Kể từ lần đó, mẹ chồng chịu “soi” kỹ đến từng hành động và thái độ của Dung. Cho nên để tránh bị nặng lời chỉ trích, về đến nhà vợ chồng phải giữ kẽ hết mực.

Không bị “săm soi” nhiều như chị Dung, mẹ chồng của Hà chẳng bao giờ nể con dâu con rể trong nhà. Bà có thói quen, trong nhà người nào giỏi giang sẽ trở thành gương sáng mang ra để “soi chiếu” với những người khác.

Hơn 5 năm làm dâu, chị và mẹ chồng không thể gần gũi và chia sẻ với nhau bất cứ chuyện gì. (Ảnh minh họa)
Chị Hà tâm sự, chị là con dâu trưởng trong nhà, tính chậm chạp nên làm việc gì cũng vụng về, người gầy yếu hay ốm vặt nên mẹ chồng chị không thích cho lắm. Ngược lại, em dâu út người thành phố vừa xinh đẹp lại nhanh nhẹn, tháo vát trong mọi chuyện, dù là phận út nhưng sống gần bố mẹ chồng nên mọi chuyện gia đình em dâu út gánh vác hết. Vì thế, khi có cuộc họp gia đình, mẹ chồng chị luôn hết lời khen cô dâu út và không ngại ngùng chê trách chị dâu trưởng "kém cỏi".

Chưa hết, mẹ chồng chị còn đem câu chuyện hai cô con dâu kể với bà con hàng xóm, rằng “cái Hà dù kiếm nhiều tiền nhưng chậm chạp, lại không đảm đang, chăm lo cho gia đình bằng một phần của cái Hồng" (dâu út). Điều đó khiến chị Hà luôn cảm thấy xấu hổ, mặc cảm khi gặp gỡ, trò chuyện với họ hàng, làng xóm.

Hơn 5 năm làm dâu, chị và mẹ chồng không thể gần gũi và chia sẻ với nhau bất cứ chuyện gì. Thậm chí, nhiều lúc hai người chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.

Để tránh những cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu, chị nhẫn nhịn chấp nhận thân phận của cô dâu kém cỏi và chịu đựng để bị so sánh cho nhà cửa ấm êm. Chẳng vì thế, nhiều khi gia đình có việc, chị lại tìm đủ các cớ để tránh có mặt, hạn chế để mẹ chồng so sánh trước toàn thể mọi người.

So sánh con dâu con rể trong nhà là một lẽ, hiện nay không thiếu những bà mẹ chồng có sở thích oái ăm, so sánh con dâu mình với những “nàng dâu hụt” – người yêu cũ của con trai. Điều đó, khiến các nàng dâu cảm thấy mình thấp kém trong mắt nhà chồng và cảm giác mình không có được sự yêu thương, tôn trọng từ mọi người.

Thúy Hạnh (27 tuổi, Hải Phòng) cảm thấy vô cùng bức xúc bởi lẽ mẹ chồng hay đem chị so sánh với người yêu cũ của chồng. Bà hay đem những câu chuyện về cô gái kia vào những cuộc nói chuyện của hai người, khen cô ta hết lời mà không hề để ý đến cảm giác của chị.

Vẫn biết bà quý “người cũ” của chồng vì cô ấy là con người bạn thân của bà. Thế nhưng, không nhất thiết mẹ chồng lúc nào cũng “quý mến” ra mặt như thế. Mỗi khi nhà có việc trọng đại, mẹ chồng lại hoan hỷ gọi điện mời gọi cô ấy như chào đón khách quý lâu ngày. Lúc có mặt cả con dâu và người yêu cũ của con trai, bà không ngại buông lời so sánh: “con dâu bác đảm đang chuyện nhà nhưng ngoại giao bên ngoài chưa chắc bằng cháu” hoặc “Hạnh ngoan lễ phép, hiểu chuyện nhưng cháu lại tinh tế hơn”...

Những lời so sánh bộc phát ấy đủ khiến chị Hạnh cảm thấy tủi thân, giận dỗi với chính bản thân mình. Đôi lúc ức chế, chị trút giận lên chồng mình bằng những lời lẽ đầy trách móc: “Sao anh không lấy cô ấy cho mẹ anh hài lòng”. Thương vợ, anh thường nhắc khéo mẹ chuyện so sánh khập khiễng giữa con dâu và người ngoài. Mẹ chồng chị chỉ cười trừ và cho đó là chuyện bình thường.

Những câu chuyện so sánh tưởng như đơn giản, khi đặt nó vào trong một hoàn cảnh phức tạp nó sẽ trở thành những mâu thuẫn khó giải quyết. Đặc biệt, trong mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu được coi là mối quan hệ khó hòa hợp, ẩn chứa sau đó là những cuộc chiến thầm lặng.

Đối với những nàng dâu “bất đắc dĩ” bị rơi vào hoàn cảnh mẹ chồng có sở thích so sánh, tốt nhất nên làm ngơ khi bị đặt lên bàn cân và tìm những lúc thích hợp để tâm sự cho mẹ chồng hiểu về mình. Đừng bao giờ nóng vội hay đặt cái tôi của bản thân trong mối quan hệ này sẽ khiến những bất hòa dễ dàng xảy đến, người thiệt thòi chắc chắn chỉ là những nàng dâu.

Trong cuộc sống, chẳng ai là hoàn hảo như ý nguyện. Vì thế, mọi người cần biết dung hòa với nhau để có những mối quan hệ bền vững. Nếu biết chấp nhận, chắc chắn gia đình sẽ được ấm êm, các thành viên đoàn kết, gắn bó gần gũi với nhau hơn.
Loading...
Được tạo bởi Blogger.
VIETAD
VIETAD