Cách sử dụng smartphone an toàn để không bị nghe lén
Loading...
Mọi người dùng đều có thể chủ động để không trở thành nạn nhân của trò nghe lén điện thoại.
Để nghe lén điện thoại của người khác, kẻ gian thường cài đặt một phần mềm chuyên dụng lên thiết bị, chưa kể một số trường hợp smartphone bị nhà sản xuất mở "cửa sau" cho các cơ quan an ninh xâm nhập trái phép, chẳng hạn là Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) như nhiều báo cáo của cựu điệp viên Edward Snowden.
Vấn nạn nghe lén điện thoại đang gây nhiều hoang mang cho người dùng Việt. |
Riêng tại Việt Nam, sự việc này chỉ mới trở nên "sốt" trong những ngày gần đây khi Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50 - Công an TP. Hà Nội) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phát hiện ra Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng đang nghe lén 14.000 thiết bị ngoài thị trường bằng phần mềm Ptracker.
Không chỉ vậy, theo một báo cáo từ ông Ngô Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Công ty Bkav, tội phạm mạng đang tích cực sử dụng các mã độc tấn công điện thoại để đánh cắp thông tin cá nhân và moi tiền từ thuê bao di động. Thống kê mới nhất của Bkav cho thấy, 22,7% smartphone ở Việt Nam từng bị lây nhiễm mã độc.
Số lượng mã độc tấn công smartphone tăng nhanh thời gian qua. Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2014, phần mềm Bkav Mobile Security đã cập nhật 621.000 mã độc mới xuất hiện, vượt xa số lượng 528.000 của cả năm 2013. Đặc biệt, mỗi ngày có 262.000 điện thoại bị nhiễm mã độc gửi tin nhắn tự động SMS đến các đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000 VNĐ/tin nhắn, tính ra mỗi ngày người dùng Việt Nam bị "móc túi" một số tiền khổng lồ - có thể lên tới 3,9 tỷ đồng.
Điệp viên Edward Snowden từng công khai nhiều chương trình thu thập dữ liệu, nghe lén người dùng của Chính phủ Hoa Kỳ. |
Về cơ bản, mã độc, phần mềm độc hại nói chung và các phần mềm nghe lén điện thoại nói riêng chủ yếu được cài đặt vào thiết bị bởi chính chủ nhân mà họ không hề hay biết. Rất đơn giản, kẻ gian có thể dễ dàng tích hợp mã độc, thậm chí là bản cài đặt của cả một ứng dụng gián điệp vào bản cài đặt của game, ứng dụng mà người dùng đang có nhu cầu sử dụng.
Thông thường các ứng dụng độc hại này sẽ ngụy trang dưới một ứng dụng, game miễn phí và đang "hot", như Flappy Bird, Đuổi Hình Bắt Chữ, Zing MP3, Xem Phim Sex,... Trong quá trình cài đặt, theo thói quen, người dùng thường đồng ý tất cả các yêu cầu của ứng dụng cũng như bỏ qua các cảnh báo từ hệ điều hành, khiến thiết bị âm thầm bị dính mã độc từ lúc nào cũng không hay.
Các kho ứng dụng "chính chủ" của hệ điều hành di động sẽ luôn có biện pháp xử lý nhanh gọn các ứng dụng độc hại để bảo vệ người dùng. |
Do đó, tốt hơn hết là người dùng smartphone Android, iOS, Windows Phone, BlackBerry,... đều chỉ nên tải các ứng dụng trên kho ứng dụng "chính chủ" của nền tảng đang sử dụng. Thực tế phần lớn các ứng dụng, game trôi nổi tại các hệ sinh thái ứng dụng không rõ nguồn gốc ngoài thị trường đều được tích hợp mã độc nguy hiểm, mặc dù chúng vẫn hoạt động bình thường sau khi cài đặt thành công.
Ngoài ra, để tránh bị kẻ gian qua mặt và cài đặt phần mềm gián điệp, nghe lén vào thiết bị di động, người dùng cần tuyệt đối thận trọng khi cho mượn smartphone. Trong nhiều trường hợp, smartphone được tặng cũng là một thiết bị đáng ngờ, đặc biệt khi sản phẩm không còn nguyên seal. Với trường hợp này, người dùng có thể khôi phục thiết bị về trạng thái gốc trước khi sử dụng.
Thường xuyên cập nhật phiên bản mới cho hệ điều hành và ứng dụng. |
Bên cạnh đó, người dùng di động nên cập nhật thường xuyên các bản vá mới nhất dành cho hệ điều hành lẫn ứng dụng, game trên thiết bị. Không chỉ vậy, người dùng cũng nên tìm hiểu thông tin trên mạng để sớm biết được các lỗi bảo mật đang bị khai thác, cũng như thiết bị mà mình sử dụng có gặp vấn đề gì không, từ đó sẽ sớm có hướng xử lý trước khi quá muộn.
Theo Ngọc Phạm